Mong mỏi tăng lương

HẠNH LÊ 24/10/2022 04:30

Từ năm 2019 đến nay, đã 2 lần lương công chức, viên chức phải “lỡ hẹn” điều chỉnh tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

>>>Chủ tịch Quốc hội: Bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023

Tăng lương: Yêu cầu cấp bách

Từ năm 2019 đến nay, lương tối thiểu vùng ở khu vực doanh nghiệp điều chỉnh 3 lần với tổng mức tăng là 17,7%. Ở khu vực công, lần điều chỉnh lương cơ sở gần nhất là tháng 7 năm 2019 với mức tăng 7,19% trong khi 3 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 10%. Như vậy, sau nhiều năm, lương của khu vực tư đang “chạy” nhanh hơn lương ở khu vực công.

Sau 2 lần lỗi hẹn, tiền lương khu vực công được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 20%

Sau 2 lần lỗi hẹn, tiền lương khu vực công được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 20% (ảnh minh hoạ)

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tiền lương khu vực công đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức; không đủ để đảm bảo tái tạo sức lao động chứ chưa nói đến tích lũy. Quan trọng, không phản ánh đúng giá trị sức lao động, giảm năng suất và hiệu quả lao động khi mà mức lương thấp nhất của công chức có trình độ đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo tính toán của của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, tại TP Hồ Chí Minh, năm 2020 để một người lao động đủ sống cần ít nhất 7,5 triệu đồng/tháng.

Đồng lương “ba cọc ba đồng” trong khi công việc nhiều đang tạo nên áp lực nặng nề đối với công chức, viên chức, nhất là viên chức các ngành y tế, giáo dục. Hai hệ luỵ lớn được các chuyên gia lao động việc làm phân tích. Thứ nhất, người hưởng lương khu vực công không chuyên tâm, bê trễ cho công việc hoặc nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, thậm chí là tham nhũng khi có cơ hội. Thứ hai, một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức năng động, có trình độ bỏ khu vực công sang khu vực tư.

Số liệu được Bộ Nội vụ công bố tại diễn đàn Quốc hội sáng ngày 22/10 đã minh chứng phần nào cho thực trạng này. Trong 2,5 năm trở lại đây, do tác động của dịch bệnh COVID - 19, đã có gần 40.000 người làm công ăn lương đã xin nghỉ việc; trong đó viên chức chiếm đa số, công chức chiếm 1,63%. Về ngành nghề, khối giáo dục có 16.427 người xin thôi việc (chiếm 41,53%), trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60%. Khối y tế có 12.198 người (chiếm 30,84%) xin thôi việc; độ tuổi từ 40 trở xuống là 74,72%, đại học trở lên là 65,27%.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân với nhiều năm gắn bó với cải cách tiền lương nhấn mạnh: Tăng lương cho công chức, viên chức trở nên cấp bách. Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế phát triển, người lao động có quyền được lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Nếu không kịp thời điều chỉnh tăng lương, sẽ tới một lúc chẳng giữ chân người tài, chẳng còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền.

“Có thực mới vực được đạo”

Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 chưa thể chấm dứt, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhưng vẫn đang chịu tác động của những yếu tố bất định trên thế giới. Vì vậy, các chuyên gia đồng tình với việc điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở để đảm bảo tính khả thi thay vì thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng: Lương công chức viên chức là nguồn lực đầu tư phát triển khu vực công, là lực đẩy chi phối tất cả các quyết định, sự thành bại của khu vực công cũng như sự phát triển của quốc gia nên cần được đãi ngộ xứng đáng.

Tăng lương cơ sở để giảm áp lực cho công chức, viên chức (ảnh minh hoạ)

Tăng lương cơ sở để giảm áp lực cho công chức, viên chức (ảnh minh hoạ)

Vì vậy, sau một thời gian người lao động “cảm thông” và “sẻ chia” cùng với những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID - 19 thì khi nền kinh tế đã bước qua giai đoạn khó khăn và đang trên đà phục hồi thì việc tăng lương cơ sở là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi, đợi chờ của công chức, viên chức. Bởi, khi cuộc sống còn quá nhiều lo toan, chưa hết tháng đã hết tiền lương thì khó có công chức, viên chức nào cống hiến hết mình được.

Để việc điều chỉnh tiền lương cơ sở cho công chức, viên chức đảm bảo khả thi và hiệu quả, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là sắp xếp lại bộ máy hành chính. Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin để tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế, đẩy mạnh thực hiện tự chủ tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công. Làm tốt công việc này là đã có thể tạo nguồn tăng lương, đảm bảo thành công đến 50% của việc cải cách tiền lương.

Bên cạnh đó, cần tiết kiệm khoản chi dành nguồn cho tăng lương và tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn để tạo nguồn cải cách tiền lương. 

Có thể bạn quan tâm

  • Công chức nghỉ việc và chuyện cải cách tiền lương

    Công chức nghỉ việc và chuyện cải cách tiền lương

    05:00, 19/09/2022

  • Đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc

    Đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc

    17:52, 01/10/2022

  • TP.HCM: Thực hư thông tin 6.200 công chức, viên chức nghỉ việc?

    TP.HCM: Thực hư thông tin 6.200 công chức, viên chức nghỉ việc?

    15:17, 14/08/2022

  • Tiến tới doanh nghiệp

    Tiến tới doanh nghiệp "tự chủ" tiền lương

    11:00, 15/11/2021

  • Cơ chế tiền lương đã quá lạc hậu!

    Cơ chế tiền lương đã quá lạc hậu!

    05:42, 22/10/2021

HẠNH LÊ