Thất bại chính sách trong cơ chế quản lý bệnh viện công

NGUYỄN VIỆT 24/10/2022 11:44

Nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, các bệnh viện lớn có danh tiếng xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

>>Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Đảm bảo chất lượng cao nhất khi thông qua các dự án luật

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ngày 24/10.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị. 

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện  thiết bị hiện đại hơn.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.

Từ đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.

Tuy nhiên, những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

Do đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

>>Nhiều vấn đề "nóng" tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV

>>Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở

đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: QH

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này. Đồng tình với việc thành lập Hội đồng Y khoa. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, cần quy định chi tiết về vị trí pháp lý, cơ cấu, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Y khoa quốc gia.

Đối với Điều 27 về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo Luật quy định người hành nghề phải sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Theo đại biểu Mạnh, việc quy định người hành nghề là người nước ngoài phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cần quy định theo hướng mở. Nếu chưa thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia giỏi, người nước ngoài tiến hành hành nghề tại Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học.

Nếu yêu cầu người hành nghề nước ngoài phải thành thạo tiếng Việt thì sẽ làm mất thêm nhiều thời gian, khiến chúng ta được chậm hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Về quy định đối với người đại diện, đại biểu cho rằng cần có quy định rõ ràng trong trường hợp người bệnh hôn mê, cấp cứu hoặc tinh thần không tỉnh táo mà cần thay đổi người đại diện, có phải yêu cầu người bệnh xác nhận bằng văn bản hay không. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh đề nghị cần quy định rõ ràng, phù hợp với thể trạng của bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội 

    03:02, 22/10/2022

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành

    17:27, 21/10/2022

  • Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

    05:05, 21/10/2022

NGUYỄN VIỆT