Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp
Các quy định hiện nay quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ.
>>“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu
Đây là ý kiến của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Xăng dầu khan hiếm
Những ngày vừa qua nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500 - 600.000 đồng với một ô tô, 30.000 – 50.000 đồng đối với một xe máy đã gây bức xúc cho người dân.
Theo báo chí phản ánh, tại TP HCM ngày 4/11, dọc các con đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (Gò Vấp)… hướng về phía trung tâm, nhiều cây xăng tắt đèn, tạm dừng bán hoặc bán cầm chừng. Tại cửa hàng xăng dầu số 705 Phan Văn Trị, 4 trụ bơm vẫn sáng đèn nhưng khi có khách ghé vào đổ xăng, nhân viên xua tay ra hiệu hết xăng và chỉ khách đi cây xăng khác.
Trong khi đó, cách đó 200m, cửa hàng xăng dầu 77 (đường Nguyễn Oanh), cả 6 trụ bơm đều tối đèn, nhiều ô tô, xe máy tấp vào nhưng rồi lại thất vọng đi ra. Còn tại trạm xăng dầu dầu số 12 Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nhân viên cây xăng cho biết cửa hàng chỉ đổ hạn mức 50.000 đồng/lần cho xe máy và 500.000 đồng/lần cho ô tô...
Tương tự tại Hà Nội, 18h ngày 6/11, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hà Nội trong tình trạng đóng cửa không bán hàng không rõ lý do, trong khi đó, một số cây xăng hoạt động luôn trong tình trạng quá tải với hàng trăm người xếp hàng chờ. Tại quận Cầu Giấy, cây xăng HOPE cuối đường Dương Đình Nghệ vẫn sáng đèn, nhưng chỉ có 2 nhân viên ngồi trước cây xăng vẫy tay ra hiệu không bán mỗi khi có khách hàng tiến vào. Trên đường Hoàng Quốc Việt, cửa hàng xăng dầu Nghĩa Đô cũng tạm nghỉ bán với tấm biển thông báo "nghỉ kiểm kê".
Cách đó không xa, cũng trên con đường Hoàng Quốc Việt, cửa hàng xăng dầu Hưng Yên đang hoạt động đổ xăng cho hàng dài xe máy đang chờ. Tuy nhiên, khu vực 2 trụ xăng vốn để bơm xăng cho ô tô lại được rào chắn, tại 1 trên 4 đồng hồ hiển thị dòng chữ: "Cột bơm hỏng". Trên địa bàn quận Tây Hồ, nhiều khách hàng ghé vào cửa hàng xăng dầu Lạc Long Quân phải quay xe tìm nơi khác khi cửa hàng này vẫn sáng đèn nhưng không có nhân viên nào đứng bán...
>>Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT
>>Thị trường xăng dầu rối loạn vì đa tầng nấc
Vẫn... nguyên nhân cũ
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng, dầu thế giới ngày càng khan hiếm, bởi những ngày qua châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga.
Tỷ giá ngoại tệ để có thể nhập khẩu được xăng, dầu như USD và Euro liên tục thay đổi theo hướng đều tăng, tuần qua đã lên 0,75 điểm %, dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng trong một vài tuần tới, lên tới khoảng 4,25% đối với đồng USD và trên dưới 5% đối với đồng Euro. Bộ trưởng Công thương cho rằng, đây là những khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Ngoài ra một khó khăn khác trong việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối. Do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Do đó, xuất hiện tình trạng "đứt gãy cục bộ nguồn cung" ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung đông dân cư.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc và đến giờ này mỗi ngành chức năng đều đã và đang làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng thông tin, Bộ Tài chính cũng đã có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và Bộ Công Thương đã đồng thuận. Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết với những doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định và sẽ nghiên cứu những hình phạt bổ sung để áp dụng vào thời điểm phù hợp.
"Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách dứt điểm. Hy vọng rằng những nỗ lực như chúng tôi vừa báo cáo thì trong những ngày tới tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Ông Diên cũng phân tích, thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Xăng dầu sản xuất ra trong nước đạt khoảng 80% nhu cầu, tuy nhiên "trong 80% đó thì một nửa, thậm chí là hơn nửa lượng dầu thô chúng ta cũng vẫn phải nhập từ thế giới, cho nên thị trường thế giới thế nào nó sẽ tác động vào thị trường trong nước như thế".
Hơn nữa nước ta còn nhập khoảng trên dưới 20% xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, cho nên cũng sẽ bị ảnh hưởng từ biến động của thế giới. Sản lượng sản xuất trong nước và số lượng nhập từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch của cả năm, "cả năm cần khoảng 18.000-19.000 khối, chúng ta đã đạt được 86%, như vậy nguồn cung hoàn toàn bảo đảm theo kế hoạch", Bộ trưởng khẳng định.
>>Cần rà soát lại các quy định về quản lý điều hành giá xăng dầu
>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành
Cần minh bạch số liệu xăng dầu
Cho ý kiến về ván đề này, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (xin được giấu tên) cho rằng, để trấn an dư luận, minh bạch chính hoạt động của Bộ Công Thương, cơ quan này cần yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối hằng ngày nộp số liệu tồn rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được và cùng giám sát.
Một chuyên gia trong ngành xăng dầu nói rằng, Bộ Công Thương đã thừa nhận việc doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cùng hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ đang trong cảnh không còn vốn nhập xăng dầu do bị lỗ kéo dài.
“Nếu không làm triệt để, Bộ Công Thương sẽ mãi loay hoay với việc đưa quản lý thị trường đi tìm nguyên nhân trong suốt 1 tháng rưỡi qua mà rốt cuộc vừa phí tiền của Nhà nước, vừa gây bức xúc cho doanh nghiệp xăng dầu. Về nguồn cung, cơ quan quản lý cũng cần làm việc với chủ sở hữu hai nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn để chia sẻ lợi nhuận, cho doanh nghiệp tăng mua hàng trả chậm hoặc có giải pháp cung ứng xăng dầu cho thị trường", vị này đề xuất.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng những gì diễn ra cho thấy cơ quan quản lý chưa theo kịp.
Theo ông Thịnh, trước hết là về cơ chế, rõ ràng là cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao, mới dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu bị ép giá thông qua chiết khấu. Bất cập khác chính là cơ quan quản lý đã không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu trên thị trường.
“Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất. Thêm nữa thì khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng”, ông Thịnh nói.
Có thể bạn quan tâm
“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu
10:50, 06/11/2022
Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT
02:19, 06/11/2022
Thị trường xăng dầu rối loạn vì đa tầng nấc
12:28, 05/11/2022
Cần rà soát lại các quy định về quản lý điều hành giá xăng dầu
11:17, 04/11/2022
Khan hiếm xăng dầu: Điệp khúc “hết xăng” xuất phát từ lỗi hệ thống và cần được xử lý!
05:00, 04/11/2022
“Ông lớn” Petrolimex lỗ mảng kinh doanh xăng dầu
05:00, 04/11/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành
04:00, 04/11/2022