Khan hiếm xăng dầu: “Thiếu thật” hay “thiếu giả”?

BẢO LAM - Ảnh: HƯƠNG GIANG - DUY LONG 09/11/2022 00:00

Vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cần phải đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

>>Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

Những ngày vừa qua nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500 - 600.000 đồng với một ô tô, 30.000 – 50.000 đồng đối với một xe máy đã gây bức xúc cho người dân.

FF

Nhiều cửa hàng treo biển: "Hết xăng", "Hết hàng". Ảnh: Hương Giang - Duy Long

Một số cơ quan báo chí đưa tin, tại TP HCM ngày 4/11, dọc các con đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (Gò Vấp)… hướng về phía trung tâm, nhiều cây xăng tắt đèn, tạm dừng bán hoặc bán cầm chừng. Tại cửa hàng xăng dầu số 705 Phan Văn Trị, 4 trụ bơm vẫn sáng đèn nhưng khi có khách ghé vào đổ xăng, nhân viên xua tay ra hiệu hết xăng và chỉ khách đi cây xăng khác.

Trong khi đó, cách đó 200m, cửa hàng xăng dầu 77 (đường Nguyễn Oanh), cả 6 trụ bơm đều tối đèn, nhiều ô tô, xe máy tấp vào nhưng rồi lại thất vọng đi ra. Còn tại trạm xăng dầu dầu số 12 Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nhân viên cây xăng cho biết cửa hàng chỉ đổ hạn mức 50.000 đồng/lần cho xe máy và 500.000 đồng/lần cho ô tô...

Tương tự tại Hà Nội, 18h ngày 6/11, nhiều cây xăng trên địa bàn TP Hà Nội trong tình trạng đóng cửa không bán hàng không rõ lý do, trong khi đó, một số cây xăng hoạt động luôn trong tình trạng quá tải với hàng trăm người xếp hàng chờ. Tại quận Cầu Giấy, cây xăng HOPE cuối đường Dương Đình Nghệ vẫn sáng đèn, nhưng chỉ có 2 nhân viên ngồi trước cây xăng vẫy tay ra hiệu không bán mỗi khi có khách hàng tiến vào. Trên đường Hoàng Quốc Việt, cửa hàng xăng dầu Nghĩa Đô cũng tạm nghỉ bán với tấm biển thông báo "nghỉ kiểm kê".

Cách đó không xa, cũng trên con đường Hoàng Quốc Việt, cửa hàng xăng dầu Hưng Yên đang hoạt động đổ xăng cho hàng dài xe máy đang chờ. Tuy nhiên, khu vực 2 trụ xăng vốn để bơm xăng cho ô tô lại được rào chắn, tại 1 trên 4 đồng hồ hiển thị dòng chữ: "Cột bơm hỏng". Trên địa bàn quận Tây Hồ, nhiều khách hàng ghé vào cửa hàng xăng dầu Lạc Long Quân phải quay xe tìm nơi khác khi cửa hàng này vẫn sáng đèn nhưng không có nhân viên nào đứng bán...

gg

Một của hàng dán giấy thông báo: "Doanh nghiệp thua lỗ không nhập được hàng". Ảnh: Hương Giang - Duy Long

Tình trạng xăng dầu khan hiếm đang diễn ra trên một số tỉnh, thành, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ. Dẫn số liệu liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay xăng dầu Việt Nam sản xuất trong nước đạt khoảng 80% nhu cầu. Trong 80% này, một nửa, thậm chí hơn một nửa lượng dầu thô Việt Nam vẫn phải nhập từ thế giới. Vì vậy, thị trường thế giới biến động tác động trực tiếp tới thị trường trong nước. Còn 20% xăng dầu thành phẩm là nhập từ nước ngoài nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm này, theo số liệu Bộ Công Thương có được thì sản lượng sản xuất của các nhà máy trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch của cả năm. “Mỗi năm chúng ta cần khoảng 18-19 triệu m3 xăng dầu, với sản lượng đạt 86% kế hoạch như trên có thể khẳng định nguồn xăng dầu trong các DN hoàn toàn có thể bảo đảm cho thị trường trong nước... Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hằng năm. Cụ thể, sẽ có lượng xăng dầu trong nước khoảng 21 triệu tấn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của cả nước” - ông Diên khẳng định.

Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 28/10, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cần phải đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài. “Chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70%-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng hết xăng tại một loạt cây xăng ở TP Hà Nội, TP.HCM” - bà Yên nói.

NẢnh: Hương Giang - Duy Long

Người dân phải xếp hàng chờ mua xăng với số lượng xăng rất hạn chế. Ảnh: Hương Giang - Duy Long

>>Khan hiếm xăng dầu: Cần tôn trọng cơ chế thị trường

>>Khan hiếm xăng dầu: Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

>>Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

Liên quan đến vấn đề này, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 5/11 vừa qua,  Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước (nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Bình Sơn) đang vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương, nhất là các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước. "Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm", Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Mong rằng, với sự vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan liên quan, tới đây, người dân sẽ không còn tình trạng xếp hàng chờ chỉ để mua được... 30.000 đồng xăng.

Có thể bạn quan tâm

  • Khan hiếm xăng dầu: Cần tôn trọng cơ chế thị trường

    04:30, 08/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

    02:00, 08/11/2022

  • Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

    20:06, 07/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    14:57, 07/11/2022

  • Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    00:06, 07/11/2022

  • “Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

    10:50, 06/11/2022

  • Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT

    02:19, 06/11/2022

  • Thị trường xăng dầu rối loạn vì đa tầng nấc

    12:28, 05/11/2022

  • Cần rà soát lại các quy định về quản lý điều hành giá xăng dầu

    11:17, 04/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Điệp khúc “hết xăng” xuất phát từ lỗi hệ thống và cần được xử lý!

    05:00, 04/11/2022

BẢO LAM - Ảnh: HƯƠNG GIANG - DUY LONG