Dự thảo Quy hoạch quốc gia chưa rõ vùng và hành lang tăng trưởng

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 06/01/2023 14:55

Còn nhiều lúng túng khi dự thảo Quy hoạch quốc gia chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và hành lang tăng trưởng.

>>Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 6/1.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM). Ảnh: Nguyễn Việt

Dẫn chứng với lĩnh vực công nghiệp, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào?

Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.

Chỉ rõ tình trạng quy hoạch “treo” là vấn đề đang đặt ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.

“Đang là quy hoạch và ý tưởng nhưng khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ “dính” quy hoạch, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Vẫn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để thực hiện quy hoạch thì cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Mặc dù chung ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam.

“Chúng ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Về vấn đề thể chế để thực hiện quy hoạch, do nguồn lực đầu tư công có hạn cho nên thay vì đầu tư dàn trải thì cần chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công-tư, và phải huy động nguồn lực được này trong xã hội.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, khoảng 7.500 USD.

>>Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

>>Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, thu nhập trung bình quốc gia khoảng 1.025 - 12.475 USD/người, khi các quốc gia có thu nhập như vậy thì thuộc nhóm trung bình. Việt Nam ở nhóm “thấp” trong mức cao, vì mức cao của nhóm nước có thu nhập trung bình là 12.475 USD. Tới 2050 đặt mục tiêu là 27.000 - 32.000 USD/người, tức trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 tới 32.000 USD.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này. Vượt qua bẫy trung bình đã khó, chúng ta vượt xa như vậy cũng là một thách thức. Bởi khi đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo. Còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng băn khoăn về cơ sở dữ liệu lập quy hoạch hiện còn dở dang, như cơ sở dữ liệu đất đai chưa đầy đủ, nên chưa thể định hình đang có gì, sẽ làm gì. Cơ sở dữ liệu về con người, xã hội vẫn đang phân tán, chưa thống nhất… Khi cơ sở dữ liệu thiếu thì căn cứ lập quy hoạch chưa đảm bảo tính khả thi cao.

Hiện quy hoạch tổng thể quốc gia đang đưa ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực… nhưng lại có chồng lấn, chồng chéo trong đầu tư nguồn lực. Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này?

Khi xây dựng vùng kinh tế, động lực kinh tế TP. HCM, Hà Nội… theo hướng phát triển trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm tài chính. Cùng lúc quy hoạch Hà Nội, TP. HCM thành 2 trung tâm lớn thì có mâu thuẫn, có đủ nguồn lực đầu tư hay không?

Theo kinh nghiệm nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh… các trung tâm lớn về khoa học và công nghệ hay tài chính không nhất thiết phải là các đô thị lớn, mà là nơi có sự gắn kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

    16:48, 05/01/2023

  • Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

    15:38, 05/01/2023

  • Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

    13:23, 05/01/2023

  • Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia

    04:30, 05/01/2023

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT