Hệ giá trị tạo nên diện mạo nền văn hoá

NGUYỄN VIỆT 28/01/2023 04:00

Hệ giá trị được xem là cốt lõi, là nền tảng tạo nên diện mạo một nền văn hoá, bản sắc văn hoá.

>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản là nguồn lực để phát triển du lịch

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam nhấn mạnh về giá trị của hệ giá trị văn hoá.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng về sinh thái (sông, biển, đảo, núi, rừng, đồi, đồng bằng,...), đa dạng về tộc người (54 tộc người và nhiều nhóm tộc người trong đó), đa dạng các biểu đạt văn hoá, các dạng thức văn hoá, các vùng văn hoá (Tây Bắc, Việt Bắc, châu thổ Bắc bộ, Trung bộ, Trường Sơn - Tây Nguyên, Nam bộ và nhiều tiểu vùng trong đó.

Lễ hội khèn Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Lễ hội khèn Mông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Internet

Đi cùng với những sự đa dạng này là đa dạng hệ giá trị văn hoá. Mỗi vùng sinh thái, vùng văn hoá, mỗi địa phương, mỗi tộc người, nhóm người sáng tạo và duy trì các hệ giá trị văn hoá khác nhau tạo nên tổng thể đa dạng của hệ giá trị văn hoá ở Việt Nam.

Sự đa dạng luôn thể hiện ở đủ các góc cạnh, phương diện của hệ giá trị văn hoá, cả trong điều kiện hình thành và trong quá trình sáng tạo, duy trì, phát triển, bổ sung, bồi đắp, làm mới các hệ giá trị, trong các mối quan hệ tương tác, tiếp nối, kế thừa của các hệ giá trị và trong cả sự giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa các hệ giá trị qua các thời kỳ.

Ví dụ, hệ giá trị yêu nước, nhân ái hay niềm tin đều được hình thành và vận hành trong đời sống văn hoá xã hội gắn với các quá trình và các chiều tương tác kể trên.

Vẫn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hoá được hình thành và bồi đắp từ nhiều nguồn khác nhau (từ truyền thống văn hoá - những truyền thống thể hiện giá trị văn hoá, xã hội như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, từ các diễn ngôn phát triển, từ truyền thông đại chúng.

Từ những cá nhân trong vai trò là những biểu tượng...) và bằng nhiều con đường khác nhau (qua môi trường gia đình, xã hội, qua giáo dục trong nhà trường và qua các trải nghiệm cá nhân trong các mối tương tác đa chiều). Chính vì hệ giá trị đến từ nhiều nguồn khác nhau và qua nhiều con đường khác nhau như vậy nên luôn đa dạng, đa chiều và đa ý nghĩa.

"Sự đa dạng của hệ giá trị còn được tạo nên bởi sự đa dạng của từng giá trị cấu thành, chỉ trong một giá trị thôi thì tính đa dạng đã được thể hiện khi giá trị ấy ở mỗi thời điểm khác nhau được bộc lộ khác nhau hay trong từng bối cảnh cụ thể, với từng nhóm, cộng đồng cụ thể, giá trị ấy lại hiện ra với những nét nghĩa mới", PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm nói.

>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản văn hoá và phát triển bền vững

>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HOÁ VIỆT NAM: Doanh nhân giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá

Tiếng khèn người Mông ẩn chứa những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người. Ảnh: Internet

Tiếng khèn người Mông ẩn chứa những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người. Ảnh: Internet

Ví dụ, giá trị thiêng được thể hiện rất khác nhau giữa các thời kỳ lịch sử và với mỗi cộng đồng, tộc người thì giá trị này lại có nghĩa khác nhau, giá trị thiêng ở các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên có thể gắn với rừng, với bến nước, với chiêng, ché... tạo nên những chuẩn mực ứng xử như cúng rừng, cúng bến nước, cúng hồn chiêng, hồn ché trước khi sử dụng...

Trong khi giá trị thiêng ở người Mông, Hà Giang có thể gắn với đá tạo thành hồn đá, ma đá, thần đá trong các loại đá như đá tổ tiên, đá ông bà, đá cha mẹ, đá sinh, đá chết... và tạo nên những chuẩn mực ứng xử và hệ thống tri thức phong phú liên quan đến đá như thờ đá, canh tác hốc đá, làm nhà trên đá...

Hệ giá trị luôn tồn tại trong sự đa dạng khi một nhóm, một cộng đồng, một tộc người, một quốc gia có thể tồn tại nhiều hệ giá trị khác nhau tạo ra nhiều chuẩn mực, triết lý sống khác nhau mà mỗi chuẩn mực, triết lý lại có cách vận hành riêng để tồn tại và chi phối cuộc sống con người.

Hệ giá trị văn hoá được lồng vào trong hầu hết các thành tố/yếu tố hay hiện tượng văn hoá, một câu tục ngữ cũng có thể thể hiện sâu sắc một giá trị văn hoá như: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chuyển tải giá trị đoàn kết, một lời mời trước khi ăn cơm chuyển tải giá trị lễ giáo trong ứng xử...

Vì vậy sự đa dạng của văn hoá cũng chính là sự đa dạng của hệ giá trị văn hoá. Hệ giá trị văn hoá cũng được lồng vào trong đa dạng các thiết chế, thể chế để vận hành nó (lệ làng, luật tục, hương ước, quy ước, quy định, nguyên tắc, các điều luật...).

"Có thể khẳng định rằng đa dạng giá trị, đa dạng nguồn hình thành giá trị, đa dạng cách vận hành giá trị, đa dạng ý nghĩa, đa dạng hình thức thể hiện giá trị là những đặc điểm nổi bật khi nhìn vào hệ giá trị văn hoá", PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • CEO IPPG: 7 giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

    02:30, 24/12/2022

  • “Long Phụng trình tường” tại Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam

    17:12, 23/11/2022

  • NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Sứ mệnh doanh nhân

    12:15, 23/11/2022

  • NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản là nguồn lực để phát triển du lịch

    11:49, 23/11/2022

NGUYỄN VIỆT