Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt: Cân nhắc thời điểm
Giới chuyên môn cho rằng, cần cân nhắc thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt.
>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Trong đó, đề xuất đưa đồ uống có đường (nước ngọt) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp" đang được dư luận quan tâm.
Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính cho rằng dù đã tăng thuế TTĐB với rượu bia lên mức 65% nhưng thời gian qua tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao và có xu hướng tăng nhanh. Ví dụ năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân là 47,6 lít/người, bằng 1,2 lần so với bốn năm trước đó.
Mặt khác, Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho biết mức điều chỉnh tăng thuế TTĐB với rượu bia chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng. Bằng chứng là năm 2016, sau khi tăng thuế TTĐB, tổng sản lượng tiêu thụ bia vẫn tăng 3,6%. Chưa kể, giá rượu bia của Việt Nam hiện rất rẻ và sức mua tăng mạnh.
“Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế rượu bia mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỉ lệ thuế chiếm 40%-85% giá bán lẻ. Với mức tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 5% tiêu thụ rượu bia” - Bộ Tài chính dẫn chứng.
Tương tự, với đồ uống có đường, Bộ Tài chính viện dẫn tài liệu từ WHO cho rằng đường là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch, đái tháo đường. Vì vậy, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.
Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng chưa nên làm ngay và kiến nghị lùi thời gian thêm 12 đến 18 tháng.
Hiện theo số liệu thống kê, lượng đường trung bình trong sản phẩm nước ngọt khoảng 10-15 gram, còn trong kem hay kẹo cao gấp 3-5 lần, dao động 22-70 gram. Lượng tiêu thụ nước ngọt bình quân mỗi người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước, như năm 2019 gần 51 lít, trong khi Trung Quốc là 61 lít, Nhật Bản là 116 lít.
>>Chuyển đổi thuế tiêu thụ đặc biệt sang hệ thống thuế hỗn hợp là… phù hợp
>>Cân nhắc miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
>>Hiến kế cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đưa ra quan điểm, nước ngọt không phải nguyên nhân gây bệnh béo phì. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ngoài ra, cách tính thuế và lộ trình tăng vẫn theo cách tính tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ đường sản phẩm.
Chính vì thế, VBA cho rằng, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này cũng góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết rượu bia, nước giải khát đã phải đối mặt với khó khăn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Thị trường được dự báo dần phục hồi trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, như giá nguyên vật liệu trên toàn thế giới tăng vọt.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu tăng thuế là tăng nguồn thu có khả năng sẽ khó đạt được do tổng nhu cầu thị trường giảm sút khi mức thuế được nâng lên. Chưa kể, nếu thuế tăng người dùng có thể chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, không an toàn và chất lượng thấp hơn. Đồng thời, cũng không loại trừ sự xuất hiện và gia tăng của hàng giả, hàng nhập lậu.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần xem xét lùi thời điểm tăng thuế và nới lỏng phạm vi tăng thuế” - ông Katsuhiko Usui kiến nghị.
Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lại ủng hộ đề xuất này. Ông cho rằng đã đến lúc cần thiết phải đánh thuế vào mặt hàng này, dù đề xuất đã có từ nhiều năm trước. Các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.
"Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào nước ngọt, thời gian đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất rượu bia, nước ngọt, nhưng phải nhìn nhận cả quá trình. Suốt 4 năm qua, lượng tiêu thụ nước ngọt của thị trường Việt Nam luôn tăng với mức rất lớn. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến đà tăng này chững lại, nhưng so với mức tăng trưởng liên tục trong suốt thời gian qua thì sẽ không quá ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo ông, nếu không có giải pháp gì, tác hại của việc sử dụng nước ngọt đến sức khỏe cũng sẽ tăng lên theo biểu đồ tăng trưởng về lượng hàng bán ra. Khi đó, chi phí y tế để chữa bệnh tim mạch, béo phì sẽ lại càng gia tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.
Được biết, đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, Bộ này đã từng đề xuất áp mức thuế suất 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Công thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh, trong khi, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, luận cứ áp thuế chưa thực sự thuyết phục…
Có thể bạn quan tâm
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng
13:01, 04/03/2023
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại
03:40, 03/03/2023
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá là cần thiết
02:50, 26/02/2023
Chuyển đổi thuế tiêu thụ đặc biệt sang hệ thống thuế hỗn hợp là… phù hợp
04:00, 29/12/2022
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia
11:10, 21/12/2022