Phát triển thời trang bền vững với vỏ cam, bã cà phê, rong biển

Phó giáo sư RAJKISHORE NAYAK, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam 03/04/2023 04:00

“Vỏ cam, bã cà phê và rong biển đều vượt trội hơn sợi bông khi ứng dụng vào thời trang bền vững”, Phó giáo sư Rajkishore Nayak đến từ Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT chia sẻ.

>>Nghệ thuật Sen Việt 2023: Kiến tạo hòa bình và phát triển bền vững

Có bao giờ bạn tự hỏi: bao nhiêu khí carbon đã bị thải ra môi trường để sản xuất chiếc áo mà bạn yêu thích?

Một chiếc áo sơ mi cotton trung bình thải ra 2,1 kg CO2, còn một chiếc áo vải polyester tạo ra lượng khí thải cao hơn gấp đôi (5,5 kg). Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp thời trang đang là tác nhân gây ra khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Vậy liệu có loại vải nào bền vững hơn mà chúng ta nên sản xuất và mua sắm không?

Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam 

Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam

Các nghiên cứu – bao gồm cả nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp – chỉ ra rằng một số loại “sợi phi truyền thống” có thể trở thành lựa chọn thay thế xanh hơn và mới mẻ hơn. Trong đó phải kể đến các loại sợi được sản xuất từ chất thải như bã cà phê và chai nhựa tái chế, cũng như các nguồn khác như rong biển, cam, sen, ngô và nấm.

Các thương hiệu như Patagonia, Mud Jeans, Ninety Percent, Plant Faced Clothing và Afends đang đi đầu trong việc tích hợp sợi vải bền vững vào sản phẩm may mặc của họ. Nhưng để có thể tạo ra bước ngoặt thực sự, chúng ta cần các “ông lớn” trong ngành thời trang vào cuộc, và đây là thời điểm chín muồi để họ bắt tay vào hành động.

Bất cập từ sợi truyền thống

Sợi truyền thống có thể chia thành hai loại: tự nhiên và tổng hợp. Sợi tự nhiên như bông và lanh có một số ưu điểm nhất định so với sợi tổng hợp được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt.

Nếu xét về tính bền vững, sợi tự nhiên thường được ưu chuộng hơn sợi tổng hợp nhờ khả năng phân hủy sinh học và tính sẵn có trong môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, một số loại sợi tự nhiên (đặc biệt là bông) sử dụng nhiều nước và hóa chất độc hại trong quá trình thu hoạch nguyên liệu. Lấy ví dụ, cần trung bình 10.000 lít nước để trồng 1 kg bông.

Cần trung bình 10.000 lít nước để trồng 1 kg sợi bông (Hình: Unsplash)

Cần trung bình 10.000 lít nước để trồng 1 kg sợi bông (Hình: Unsplash) 

Trong khi đó, sợi tổng hợp tiêu thụ lượng nước thấp hơn đáng kể (chỉ bằng khoảng 1%), nhưng lại tốn năng lượng hơn rất nhiều.

Sợi hóa dầu làm từ nhiên liệu hóa thạch như polyester, nylon và acrylic là “xương sống” của thời trang nhanh. Tuy nhiên, một bất cập lớn từ những loại sợi này là tính khó phân hủy.

Sợi hóa dầu giải phóng hạt vi nhựa trong quá trình phân hủy dần dần. Vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây nguy hại đến sức khỏe của động vật và con người.

Bạn cũng có thể từng bắt gặp các loại vải pha, được sản xuất bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều loại sợi khác nhau. Các loại vải này đặt ra thách thức trong việc phân loại và tái chế, vì không phải lúc nào cũng có thể tách lọc các loại sợi khác nhau khi mà chúng được dệt quyện vào nhau.

>>Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

>>Xây dựng văn hoá cà phê cho phát triển bền vững

>>Nông nghiệp phát triển bền vững bằng khoa học

Sợi phi truyền thống và tiềm năng thay đổi cục diện

Trong bối cảnh sợi truyền thống đang bị tiêu thụ quá mức, một số thương hiệu thời trang toàn cầu đã bắt đầu sử dụng các loại sợi mới có nguồn gốc từ rong biển, ngô và nấm. Các hãng tiên phong ở đây phải kể đến Stella McCartney, Balenciaga, Patagonia và Algiknit.

Sợi sen, sợi dứa và sợi chuối cũng đang nổi lên như những lựa chọn tự nhiên mới. Sợi sen được lấy từ thân cây sen, sợi chuối được chiết xuất từ cuống lá (phần nối giữa lá và thân), còn sợi dứa thì được sản xuất từ lá dứa.

Quá trình chiết xuất sợi từ các chất thải như vỏ cam, bã cà phê, thậm chí từ protein của sữa bỏ đi cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, và đã có quần áo được sản xuất thành công từ những nguyên liệu này.

Tất cả những loại sợi phi truyền thống trên đều không đi kèm với những vấn đề mà sợi truyền thống gặp phải như tiêu thụ nhiều tài nguyên (đặc biệt là nước), sử dụng hóa chất độc hại, tiêu hao nhiều năng lượng (trong sản xuất sợi tổng hợp).

Hơn nữa, những loại sợi phi truyền thống này có thể phân hủy sinh học khi hết tuổi thọ và không giải phóng vi nhựa trong quá trình giặt.

Việc sử dụng sợi tổng hợp tái chế cũng đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu thô, năng lượng và hóa chất. Việc tái chế đồ nhựa, điển hình là chai nước uống, để làm quần áo cũng đang trở nên phổ biến hơn. Những sáng kiến như vậy có thể giúp con người bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thô và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Hơn nữa, cách kết hợp các loại màu sắc phù hợp trong quá trình tái chế và xử lý vải cũng có thể làm giảm nhu cầu nhuộm vải.

Ngành công nghiệp thời trang đang tạo ra khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Ngành công nghiệp thời trang đang tạo ra khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Cần làm gì tiếp theo?

Các doanh nghiệp thời trang có thể giảm tải cho môi trường bằng cách đầu tư bài bản vào sản xuất các loại sợi và vải bền vững. Thực tế cho thấy nhiều loại sản phẩm như vậy vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc chưa được ứng dụng thương mại rộng rãi hơn.

Các nhà sản xuất, thương hiệu lớn và nhà bán lẻ thời trang cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để mở rộng quy mô sản xuất các loại sợi này. Các nhà sản xuất máy móc cũng cần phát triển công nghệ phù hợp để thu hoạch và sản xuất nguyên liệu thô như xơ và sợi bền vững với quy mô lớn.

Đồng thời, bạn - với tư cách là người tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin về sản phẩm và yêu cầu các thương hiệu phải thể hiện trách nhiệm.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2023 tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

    12:41, 26/03/2023

  • Nghệ thuật Sen Việt 2023: Kiến tạo hòa bình và phát triển bền vững

    00:43, 26/03/2023

  • Công nghệ và trái phiếu xanh mở đường cho phát triển bền vững

    03:30, 25/03/2023

  • TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững

    16:40, 23/03/2023

  • TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Phát triển kinh tế xanh và bền vững

    15:21, 23/03/2023

  • TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững

    14:48, 23/03/2023

Phó giáo sư RAJKISHORE NAYAK, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam