Nghỉ việc 3 tháng được rút BHXH 1 lần: Còn nhiều băn khoăn
Nhiều lao động chọn rút BHXH một lần là do họ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chính sách BHXH
>>Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn việc giảm năm đóng BHXH
Theo quy định tại Nghị quyết 93 năm 2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, người lao động sau 01 năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH thì sẽ được làm thủ tục để nhận BHXH một lần.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (bản cập nhật ngày 01/3/2023) về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định như trên: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm…” thì người lao động được rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan đại diện cho người lao động - đưa ra đề xuất nên bỏ quy định nêu trên, thay vào đó chỉ nên quy định sau 03 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH thì người lao động có thể làm thủ tục nhận BHXH một lần.
Cũng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất này phù hợp hơn với bản chất của BHXH một lần, bởi đây là chế độ giúp người lao động có thể giải quyết được khó khăn trước mắt khi vừa nghỉ việc.
Trước đề xuất này, một số quan điểm băn khoăn rằng, chúng ta đang hạn chế rút BHXH một lần, khuyến khích những người lao động ở lại hệ thống BHXH để hết tuổi lao động sẽ có lương hưu. Việc Tổng LĐLĐVN đề xuất giảm điều kiện hưởng một lần xuống mức 3 tháng liệu làm gia tăng hoạt động nhận BHXH một lần.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.085.317 người lao động đề nghị và được hưởng BHXH một lần. Trung bình mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Trong giai đoạn này, tổng số người tham gia BHXH tăng mới là 4.256.295, trong đó có 4.058.317 người hưởng BHXH một lần, tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới có 1 người dời khỏi hệ thống BHXH. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phát triển số người tham gia, mở rộng diện bao phủ và mục tiêu tiến tới BHXH toàn dân của Đảng và Nhà nước.
Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án về BHXH một lần của người lao động: Phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội; Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
>>Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần nghiên cứu kỹ lưỡng mức đóng BHXH
>>Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần
Góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với 2 phương án về BHXH một lần mà Bộ LĐTB&XH đề xuất, cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bởi điều chỉnh này rất nhạy cảm. Phương án 2, nếu người lao động yêu cầu thì vẫn được giải quyết một phần (tối đa 50%) thì phần đông người lao động cho rằng sẽ là bất lợi với họ…
Theo TLĐLĐ Việt Nam, với cả 2 phương án đều áp dụng điều kiện “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện” mới cho người lao động hưởng BHXH một lần là không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần. Bởi vì, BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH; đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách, Pháp luật, Tổng LĐLĐVN cho biết, trong điều kiện hầu hết người lao động ở ta có thu nhập thấp, khi mất việc làm, họ cũng không còn khoản thu nhập nào để đảm bảo cuộc sống trước mắt nên buộc phải nhận BHXH một lần.
Tuy nhiên, quy định hiện hành phải sau 12 tháng mới có thể rút BHXH một lần, chính vì vậy đã có những trường hợp người lao động phải tìm mọi cách để ứng phó trước hoàn cảnh như tìm đến tín dụng đen, bán sổ BHXH… “Tổng LĐLĐVN cho rằng, để thực hiện đúng ý nghĩa và tinh thần của BHXH một lần cần phải giảm thời gian được nhận chế độ” - ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, nhiều lao động chọn rút BHXH một lần là do họ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chính sách BHXH. Vì vậy, nếu chúng ta sửa Luật BHXH thì phải tạo được độ tin tưởng nhiều hơn vào chính sách BHXH. Đồng thời, cần xây dựng chính sách BHXH linh hoạt hơn thì sẽ thu hút được thêm người lao động tham gia vào hệ thống. Nếu làm được việc này, những người đang tham gia sẽ cân nhắc kỹ việc lựa chọn ở lại hệ thống để được hưởng quyền lợi lâu dài chứ không rút BHXH một lần.
Theo các chuyên gia lao động cho rằng, để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH thì cần tăng quyền lợi cũng như tạo môi trường làm việc ổn định. Bên cạnh đó, là tăng cường tuyên truyền cho người lao động thấy được tác dụng của chính sách BHXH để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, khi về già có lương hưu đảm bảo cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn việc giảm năm đóng BHXH
04:00, 02/05/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần nghiên cứu kỹ lưỡng mức đóng BHXH
04:00, 01/05/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần
04:00, 30/04/2023
Đóng BHXH bằng 70% thu nhập - khó khả thi
22:28, 27/04/2023
Cảnh báo xuất hiện Fanpage giả mạo BHXH Việt Nam
11:00, 21/04/2023