Yêu cầu EVN làm rõ việc tăng giá điện có phải do thua lỗ?

NGUYỄN VIỆT 26/05/2023 17:10

Trước kỳ họp thứ 5, cử tri Quảng Ninh kiến nghị việc tăng giá điện sinh hoạt do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp.

>>Ngày 26/5, Quốc hội họp về chính sách đặc thù phát triển TP. HCM

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 26/5.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh). Ảnh: QH

Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét để bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Phải có báo cáo rõ về việc EVN đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào? Giải pháp cắt giảm chi phí? Giảm giá thành sản điện sản xuất?...

Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, EVN báo cáo cụ thể để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đồng thời, cần làm rõ có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) thời gian qua thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực 2, khu vực 3 trong 2 năm 2021-2022.

“Nhưng đến thời điểm hiện nay kinh phí còn nợ phải thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ sản xuất của năm 2021 và 2022 cho các thôn, tổ, người dân là trên 52 tỷ đồng”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nói. 

Tháng 6 năm 2022, Bộ Tài chính có quyết định về việc giao dự toán bổ sung kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

>>Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

>>Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn). Ảnh: QH

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã được phân bổ trên 72 tỷ để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3, nhưng thời gian cấp kinh phí và các văn bản hướng dẫn muộn nên việc triển khai thực hiện Tiểu dự án một trong năm 2022 tỉnh Bắc Kạn chỉ giải ngân được trên 17 tỷ.

Do đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn đã được phân bổ trong năm 2022 của Tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực 2, khu vực 3 của 2 năm 2021, 2022…

Cử tri tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn, xây dựng mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh miền núi, có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh, từ đó phát huy hiệu quả của tuyến đường.

Sớm đầu tư xây dựng đoạn tránh trung tâm các huyện, thành phố và các thị trấn thường xuyên có ách tắc giao thông, nhằm nâng cao khả năng lưu thông phục vụ mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt.

Sớm cho chủ trương đầu tư với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch để không những phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu). Ảnh: QH

Qua tổng hợp số liệu có trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi Nghị định số 34 ban hành năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố.

Nguyên nhân do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều đơn vị hành chính cấp xã đông dân cư, nhất là các tỉnh, thành phố lớn; công việc được phân cấp cho chính quyền cơ sở nhiều nên việc quy định số lượng tối thiểu 19 biên chế, tối đa 23 biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính hiện nay không còn phù hợp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cũng đề nghị nâng mức phụ cấp, mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách hiện nay đang thực hiện khoán công việc với kinh phí thấp, không hiệu quả, đề nghị bổ sung chức danh công chức Văn phòng Đảng ủy cấp xã.

"Cử tri ngành giáo dục cũng đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn", đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói. 

Bên cạnh đó còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị về việc làm, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm giải quyết, tham mưu giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần được quan tâm xem xét, giải quyết thấu đáo.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngày 26/5, Quốc hội họp về chính sách đặc thù phát triển TP. HCM

    00:26, 26/05/2023

  • Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

    11:56, 25/05/2023

  • Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

    00:20, 25/05/2023

  • Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

    00:06, 24/05/2023

NGUYỄN VIỆT