Vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển?

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 07/06/2023 11:31

Với tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ chưa tới ngưỡng 2%. Câu hỏi đặt ra, chúng ta đã chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ là bao nhiêu? Và có đảm bảo được yêu cầu hay không?

>>Từ ngày 6/6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ngày 7/6.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông đánh giá như thế nào về thị trường khoa học công nghệ hiện nay ở Việt Nam?

Thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam vẫn còn là một thị trường “non trẻ”. Hiện nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang giám sát phát triển thị trường này. Theo tôi, để phát triển thị trường khoa học công nghệ của Việt Nam lành mạnh, thứ nhất phải có khuôn khổ khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện. 

Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng DNNVV rất lớn. Cho nên, việc hấp thụ thành tựu khoa học công nghệ cũng có những hạn chế.

Do phần lớn phụ thuộc vào nguồn lực, bởi vì từ ý tưởng khoa học công nghệ cho đến khi đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn là một quá trình đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài và tốn kém. Việc này đòi hỏi phải có tiềm lực, nguồn lực nhất định thì mới ứng dụng được.

Thứ ba, để thị trường khoa học công nghệ phát triển thì phần cung và phần cầu phải tương ứng. Cụ thể, khi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài đầu vào Việt Nam mà chúng ta không chú trọng đầu tư nguồn nhân lực cho R&D thì họ sẽ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Như vậy, các sản phẩm công nghệ được nghiên cứu ra từ đây cũng sẽ rất khó khăn.

Thứ tư, hiện nay việc kết nối giữa các Viện, trường, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Việc chuyển giao các ý tưởng nghiên cứu thành đề tài nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học và thương mại hoá như thế nào thì cũng cần phải xem xét.

Hiện nay các văn bản quy định dưới luật, đặc biệt là Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và thông tư có liên quan cũng đã chỉ ra nhiều bất cập nên đã dẫn đến việc chuyển giao và đưa kết quả nghiên cứu khoa học này vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển.

>>Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

>>Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật

Có ý kiến cho rằng, đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP và tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Theo Luật Khoa học công nghệ và Nghị quyết 20 của Trung ương đã quy định rất rõ, đó là mức tối thiểu dành cho chi của ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ có mức tối thiểu là 2%. Việc này cho thấy, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, thực tiễn qua báo cáo vừa qua thấy, tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ chưa tới ngưỡng 2%. Trong phiên chất vấn này, có nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề cập sẽ phải trả lời câu hỏi là chúng ta đã chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ là bao nhiêu? Và có đảm bảo được yêu cầu hay không?

Tôi cho rằng, nguồn lực chúng ta đầu tư vẫn còn hạn chế. Trong tương lai, muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải tập trung nguồn lực cho hoạt động này.

-Vậy, ông có đề xuất gì để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ trong thời gian tới?

Một là, phải làm cho thị trường khoa học công nghệ được lành mạnh.

Hai là, cơ chế phù hợp, chính sách linh hoạt, đảm bảo các quy định và những cam kết quốc tế để từ đó có các giải pháp phù hợp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đưa ra các giải pháp về việc phát triển thị trường này.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đang giám sát. Tôi cho rằng, sau khi có kết quả giám sát thì chúng ta sẽ có những giải pháp kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ để thực hiện có hiệu quả tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ còn dàn trải, manh mún

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, những vấn đề nóng mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm hiện nay là các quỹ, vốn dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ đưa ra rất dàn trải, manh mún và không có chiến lược. Đây là việc chúng ta phải thay đổi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng ta đã lập ra Quỹ phát triển khoa học công nghệ để thu hút tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay không có lực lượng này tham gia. Cho đến nay quỹ hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp.

Tư nhân tham gia vào quỹ đầu tư không có, tư nhân tham gia vào nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tế sản xuất cũng không có. Đây cũng là một sự cản trở về năng suất lao động.

Vì nếu chúng ta không phát triển năng suất lao động, không đưa năng suất lao động vào sản xuất của các ngành nghề thì rất khó tăng được năng suất lao động.

Khi không tăng được năng suất lao động thì chúng ta rất khó “thoát” được bẫy thu nhập trung bình. Bài toán “quẩn quanh” này cần phải lời giải sớm nhất. Đây cũng là đề tài “nóng” được cử tri quan tâm. Nhưng để giải quyết tháo gỡ được ngay thì cũng không phải là công việc riêng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ

    03:00, 07/06/2023

  • Giải pháp công nghệ chống gian lận cho các doanh nghiệp thương mại điện tử

    11:00, 06/06/2023

  • Hoàn thiện pháp lý cho các sản phẩm từ công nghệ AI

    03:10, 03/06/2023

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT