Chậm trễ thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo do đâu?

MINH CHÂU 07/06/2023 12:17

Trước chất vấn về việc thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, Bộ trưởng KH&CN nhận trách nhiệm về sự chậm trễ và mong được chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới.

>>Đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ

Sáng 7/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Có 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng, các vấn đề chất vấn xoay quanh giải pháp bứt phá công nghệ, sự phát triển của thị trường công nghệ Việt Nam.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh:QH

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh:QH

>>Vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển?

Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần 4 năm, qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND Tp.Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu. Ông mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan chức năng đã xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM.

Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7 Bộ sẽ ban hành quy định thành lập các trung tâm này nhằm khai thác nguồn lực ở địa phương dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hướng tới các mô hình thử nghiệm chính sách như sandbox trong lĩnh vực mới chưa có quy định; chọn lựa, khai thác đội ngũ chuyên gia quốc gia, quốc tế để tư vấn cho địa phương định vị và thiết kế mô hình cụ thể. Bộ sẽ có quyết định thành lập các trung tâm này, trước mắt thuộc một Cục của Bộ Khoa học và Công nghệ. "Chúng tôi sẽ đưa các trung tâm vào hoạt động theo quyết định của Thủ tướng", Bộ trưởng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương chung của Chính phủ là ưu tiên thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến nay đã có nghị định ban hành chức năng nhiệm vụ, xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sắp tới sẽ khánh thành và tính tới phát triển ở các vùng. "Chúng ta cũng khuyến khích các tập đoàn nước ngoài đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo, bước đầu có kết quả tốt”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ví dụ về Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội có trị giá 220 triệu USD, có thể là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực liên quan. “Trên cơ sở đó chúng ta sẽ triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng", Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu cần tiếp tục thúc đẩy vì việc xây dựng các trung tâm này là rất gian nan.

Tham gia tranh luậnvề vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết Việt Nam đã có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về việc quản lý mô hình này 4 năm qua (từ 2019) rút ra kinh nghiệm gì, ứng dụng trong 3 trung tâm mới ra sao? "Định hướng phát triển nhân tài thực hiện rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chiêu mộ nhân tài về Bộ làm việc", ông Hiếu hỏi.

>>Quyết định 861/QĐ-TTg cần “độ trễ” để chuyển tiếp

đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh:QH

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh:QH

Trả lời, Bộ trưởng nói Trung tâm Đổi mới sáng tạo được thành lập ở Hà Nội, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nơi đây có nhiều mô hình, cách làm đáng để học tập, lan tỏa ra các trung tâm ở nơi khác. Kinh nghiệm là cần có chính sách đặc thù giãn thuế, kết nối với các quỹ đầu tư bảo hiểm hiệu quả. Ngoài ra, cần phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nghiên cứu và đầu tư.

Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng nói đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học. "Có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính", Bộ trưởng nêu.

Vừa qua, Bộ triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất. Bộ sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, mong đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này.

Có thể bạn quan tâm

  • Chúng ta đã chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ là bao nhiêu?

    11:31, 07/06/2023

  • Cần đưa ra chính sách để “kích nổ” nhân tài ngành khoa học công nghệ

    11:04, 07/06/2023

  • 86 doanh nhân qua vòng sơ tuyển Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2023

    16:58, 02/06/2023

  • Logistics: Lĩnh vực khởi nghiệp đầy tiềm năng

    14:08, 03/06/2023

  • Khởi nghiệp từ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

    14:53, 01/06/2023

MINH CHÂU