Khơi thông các động lực thị trường

PHAN NAM 10/06/2023 02:00

Để hệ thống hành chính vận hành như một cỗ máy thực thi chính sách công tâm cần giảm thiểu nguy cơ bị chi phối bởi các quan hệ thân hữu hay lợi ích phe nhóm.

>>Còn hạn chế, thách thức trong hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam

 “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại Thủ đô do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội - Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.p/Ảnh: PV

“Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại Thủ đô do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội - Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19. Ảnh: PV

Bắt đầu từ năm 1986, dù chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng thị trường nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn kiên định tinh thần xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhấn mạnh sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu xã hội.

Hợp tác quản trị quốc gia

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã tiến thêm một bước về nhận thức khi coi phát triển xã hội là một chủ trương chính trị quan trọng. Các mục tiêu phát triển xã hội mà Đảng cộng sản Việt Nam đề ra là sự tiếp tục tư tưởng XHCN, hướng đến một xã hội thịnh vượng, và phát triển đồng đều, hài hòa giữa các cá nhân, giai cấp, và tầng lớp xã hội.

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn có niềm tin rằng Nhà nước sẽ đảm trách và có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 37 năm đổi mới, chúng ta đã thấy rõ hơn thực tế là Nhà nước sẽ không thể đủ nguồn lực cho các nhu cầu ngày càng trở nên đa dạng của người dân. Tình huống bất thường như dịch bệnh Covid-19 vừa qua chứng minh thêm rằng nhà nước sẽ luôn cần sự hợp tác từ các chủ thể ngoài nhà nước trong quá trình quản trị quốc gia trong tương lai.

Để xã hội có được sự tăng trưởng kinh tế và các chủ thể ngoài nhà nước tích lũy được nguồn lực thì cần tiếp tục mở rộng tự do kinh tế và khơi thông các động lực thị trường. Một nền kinh tế thị trường cởi mở sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm bớt căng thẳng hoặc xung đột giữa các nhóm xã hội; hoặc giữa các nhóm xã hội với chính quyền. Bởi sự linh hoạt của thị trường sẽ thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các quan hệ trao đổi được thực hiện thuận lợi hơn trên cơ sở tự nguyện. Qua đó, sự thịnh vượng của cả xã hội được nâng lên nhanh hơn, trở thành nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội.

Để hướng tới sự trưởng thành của thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, để có hệ thống pháp luật thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì trước hết phải giải quyết được mối quan hệ giữa chính trị và hành chính. Cụ thể hơn là mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước; giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân. Tất cả các mối quan hệ đó cần được cụ thể hóa và thể chế hóa chặt chẽ hơn nữa để minh định mức độ, phạm vi và phương thức can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

>>Cải cách mạnh mẽ để chuyển đổi thực chất sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn

>>Đổi mới tư duy kinh tế thị trường phải đến từ chính các doanh nghiệp

>>Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường: "Nấc thang” mới trong quá trình phát triển

Cân bằng tăng trưởng và phát triển xã hội

Để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, hẳn nhiên chúng ta cũng cần xem xét thấu đáo các phương tiện và cách thức mà nhà nước đang sử dụng để can thiệp vào nền kinh tế. Sự can thiệp của nhà nước nếu không dựa trên những căn cứ khoa học, khách quan, duy lý thì rất dễ trở thành lực cản cho tăng trưởng kinh tế. Khi đó, chúng ta không chỉ khó đạt được các mục tiêu kinh tế mà còn không có đủ nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xã hội. Đây chính là lý do cho sự xem xét một cách khoa học các vấn đề về chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, hệ thống doanh nghiệp nhà nước; hệ thống công quyền, cũng như vai trò của những yếu tố này đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Xu hướng khu vực và thế giới cho thấy Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa thể chế hoạch định và thực thi chính sách. Trong đó, đặc biệt quan trọng là hệ thống hành chính phải vận hành như một cỗ máy thực thi chính sách công tâm, giảm thiểu nguy cơ bị chi phối bởi các quan hệ thân hữu hay lợi ích phe nhóm.

Nhìn về tương lai, những khó khăn sau đại dịch càng cho thấy rõ hơn nhu cầu bức thiết về một hệ thống quản trị công hiện đại phù hợp với bối cảnh Việt Nam – đó là hệ thống thể chế bảo đảm được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, ban hành và thực thi chính sách hiệu quả, đồng thời phải ngăn chặn được nguy cơ lạm quyền, lợi dụng vai trò của nhà nước để thao túng nền kinh tế.

Một hệ thống thể chế quản trị công hiện đại hướng đến đáp ứng lợi ích của các nhóm xã hội đa dạng nhưng cũng sẽ khiến các nhóm lợi ích trong xã hội không thể dễ dàng tác động đến quy trình chính sách theo hướng trục lợi không chính đáng. Những cá nhân vị kỷ trong hệ thống công quyền cũng không thể lợi dụng danh nghĩa Đảng và nhà nước để chi phối quy trình chính sách, qua đó làm méo mó các chủ trương, đường lối phát triển đất nước mà Đảng đã đề ra.

Chỉ có như vậy, tự do kinh tế mới được mở rộng và bảo vệ, và thể chế kinh tế thị trường mới có thể phát triển. Tăng trưởng kinh tế nhờ thể chế thị trường hiện đại không chỉ giúp nhà nước và cộng đồng có nhiều nguồn lực cho phát triển xã hội, mà còn sẽ củng cố và gia tăng tính chính danh cho quyền lực nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều "ông lớn" FDI chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm

    02:35, 08/06/2023

  • Lãi suất hạ nhiệt, thị trường bất động sản chính thức đón sóng đầu tư

    11:00, 07/06/2023

  • Thị trường bất động sản được gỡ khó nhờ giảm lãi suất cho vay

    01:00, 05/06/2023

  • Chứng khoán quốc tế: Thị trường mới nổi vẫn còn dư địa phục hồi

    04:50, 04/06/2023

PHAN NAM