Phối hợp quản lý thu bảo hiểm xã hội
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thu BHXH cho thấy, ngoài việc đưa ra các chế tài rõ ràng, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các cơ quan thuế, xuất nhập cảnh, ngân hàng...
>>Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm
Trao đổi với DĐDN, bà Vũ Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đánh giá, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần đầu tiên đề xuất đưa việc quản lý thu, đóng BHXH bổ sung và phát triển thành một mục riêng trong Dự thảo Luật. Thực tế này phản ánh bài toán nan giải đã tồn tại trong suốt thời gian dài.
- Thưa bà, trong 3 năm trở lại đây, một bộ phận doanh nghiệp đã thực sự khó khăn để thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Những bất cập trong chế tài quản lý thu BHXH này có được giải quyết tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)?
Theo quan sát của chúng tôi, quy định về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH trong Luật BHXH 2014 khá lỏng lẻo, không còn phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Từ đây, thực tiễn quản lý thu, đóng BHXH xuất hiện những lỗ hổng và thiếu tính chặt chẽ nhất định để một số doanh nghiệp lợi dụng.
So với luật BHXH năm 2014, những quy định về quản lý thu, đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là nội dung mới được bổ sung. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc điều hành hệ thống BHXH, đảm bảo đủ nguồn tài chính để cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện các chính sách về quyền lợi BHXH hiện hành cũng như sẵn sàng sử dụng để hỗ trợ người lao động (NLĐ) trong hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn xảy ra.
Theo đó, các chế tài xử phạt trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đề xuất sẽ tác động trực tiếp tới nguồn tài chính, hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp của những công ty trốn đóng, nợ đóng BHXH. Điều này đã thể hiện sự thắt chặt trong công tác quản lý thu, đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH.
>>Hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH – Cần tăng chế tài xử lý
- Là đơn vị tư vấn chuyên sâu, Deloitte có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế ở các nước phát triển và đang phát triển và bài học có thể áp dụng cho Việt Nam?
Nhìn ra một số quốc gia trong khu vực châu Á, vấn đề quản lý thu, đóng các loại BHXH rất được quan tâm, thể hiện qua những thay đổi trong các thời kỳ phát triển kinh tế để dần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động. Sau những cuộc cải cách này, đã có những thay đổi quan trọng, tập trung vào phương thức đóng các loại BHXH.
Ví dụ như ở Trung Quốc, năm 2020, quốc gia này đã thực hiện việc tái cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước, chuyển giao nhiệm vụ quản lý việc thu, đóng BHXH của các doanh nghiệp đang hoạt động cho cơ quan thuế địa phương thay vì cơ quan BHXH. Cơ quan nhà nước có thể đối chiếu thông tin của người tham gia BHXH với thông tin kê khai thuế thu nhập cá nhân, cũng như đối chiếu căn cứ nộp tiền lương, tiền công tương ứng với việc thu nộp thuế. Các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến sai lệch giữa dữ liệu BHXH và dữ liệu thuế dễ bị phát hiện hơn.
Hay tại Hàn Quốc, việc quản lý thu đóng BHXH được thực hiện khá hiệu quả nhờ việc liên kết với hệ thống tài chính ngân hàng. Cơ quan BHXH của Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ đóng BHXH đúng quy định, thậm chí những doanh nghiệp đóng trước các khoản BHXH hoặc đăng ký tự động khấu trừ khoản tiền đóng BHXH từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp sẽ được hưởng một khoản chiết khấu trên số tiền BHXH phải đóng.
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thu BHXH cho thấy, ngoài việc đưa ra các chế tài rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các cơ quan ban ngành khác như cơ quan thuế, xuất nhập cảnh, ngân hàng... tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp, các tổ chức liên quan tham gia hoạt động quản lý thu BHXH.
- Dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp Thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024), vậy cần chuẩn bị những gì để đảm bảo tính thực thi sau khi Luật có hiệu lực, thưa bà?
Sửa đổi Luật BHXH được thực hiện với mục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc độ bao phủ BHXH. Để đảm bảo tính tuân thủ Luật BHXH (sửa đổi) khi luật bắt đầu có hiệu lực, cơ quan nhà nước cần có những hoạt động tuyên truyền nội dung về Luật BHXH (sửa đổi).
Về phía doanh nghiệp, cần cập nhật những thông tin mới nhất về Luật BHXH (sửa đổi) cũng như những quy định pháp luật liên quan, rà soát việc tuân thủ về BHXH tại doanh nghiệp và đánh giá tác động những thay đổi của Luật sửa đổi đối với hoạt động hiện tại, xây dựng kế hoạch/giải pháp đáp ứng những thay đổi về BHXH.
Bên cạnh những đề xuất trong dự thảo, cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp xử lý và phương thức cải cách để khắc phục tình trạng bất cập hiện tại. Bên cạnh việc thắt chặt các chế tài xử phạt hành vi vi phạm, cần chú ý như giảm thiểu thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH; quản lý quỹ BHXH đảm bảo nguồn ngân sách thực hiện các trợ cấp BHXH theo quy định.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2023-2028
12:12, 01/08/2023
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm
11:11, 31/07/2023
Trang web giả mạo Cổng dịch vụ công ngành BHXH Việt Nam
12:38, 26/07/2023
BHXH Việt Nam “sẵn sàng” trả lương hưu mới
18:29, 25/07/2023
Hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH – Cần tăng chế tài xử lý
03:50, 25/07/2023