Cần giải quyết hài hòa giữa khai thác và bảo tồn Khu sinh thái Tiền Hải

NGUYỄN VIỆT 24/08/2023 21:09

Quyết định chuyển đổi 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải của Thái Bình không đúng luật, gây nhiều ảnh hưởng.

>>Giải pháp nào giảm áp lực rác thải ra môi trường?

Trước quyết định của tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050 ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để làm khu kinh tế, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học vừa có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao.

Theo Phó cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm trong danh mục các khu bảo tồn thiên nhiên được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, cũng như nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

“Do đó, đây là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường”, bà Nhàn nói.

Chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải không chỉ tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Do đó, tỉnh Thái Bình phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Cục chưa nhận được công văn xin ý kiến về nội dung quyết định điều chỉnh ranh giới và không nhận được quyết định chính thức sau khi UBND tỉnh ban hành", Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết.

Theo cơ quan quản lý về đa dạng sinh học, quyết định giảm 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha) của tỉnh Thái Bình sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết với quốc tế và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, quy hoạch trên sẽ ảnh hưởng tới bảo tồn đa dạng sinh học và các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên tiêu biểu, làm mất đi mắt xích quan trọng trong đường bay của các loài chim di cư quý hiếm trên thế giới, gây suy giảm các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đối khí hậu.

"Các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như công ước RAMSAR, Công ước Đa dạng sinh học, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu 2020", Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho hay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải không chỉ với tỉnh Thái Bình mà còn ở vị thế quốc gia, quốc tế. Từ đó, đơn vị này đề nghị cần tiếp tục duy trì khu bảo tồn trên nguyên tắc "hài hòa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng ký văn bản đề nghị Thái Bình làm rõ cơ sở pháp lý của việc quy hoạch và báo cáo Bộ trước ngày 25/8.

>>Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Chuyên gia nói gì?

>>Các dự án xử lý môi trường ở Nghệ An - Bài 2: Nhà máy xử lý nước thải “hoạt động cầm chừng”

Giải quyết hài hòa giữa khai thác và bảo tồn Khu sinh thái Tiền Hải.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là di sản thiên nhiên.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho rằng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là một trong 63 vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.

Tổ chức này nhận định, cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. "Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan".

Trước đó, trả lời báo chí, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thực tế chỉ là khu rừng đặc dụng, được tỉnh thành lập theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng nên không chịu ràng buộc bởi Luật Đa dạng sinh học. Việc thay đổi diện tích nằm trong thẩm quyền của tỉnh Thái Bình và không cần xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tháng 4/2023, tỉnh Thái Bình ban hành văn bản xác định ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, theo đó, diện tích mới chỉ còn 1.320 ha so với 12.500 ha trong quy hoạch trước đó của chính tỉnh này. Phần diện tích chuyển đổi sẽ được xây dựng thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

Theo văn bản của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nêu, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao và cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng.

Nơi đây chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (như cò thìa, rẽ mỏ thìa, bồ nông chân xám), 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chứa đựng các kiểu đất ngập nước đặc thù (như rừng ngập mặn, bãi vùng gian triều, vùng nước cửa sông...) là môi trường sống của 20 loài có giá trị kinh tế cao, cung cấp các sinh kế hàng ngày cho người dân địa phương vùng ven biển Tiền Hải.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là một trong 2 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng (năm 2004) cũng đã khẳng định rõ tầm quan trọng và giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn đối với quốc gia và thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào giảm áp lực rác thải ra môi trường?

    00:30, 21/08/2023

  • C.P. Việt Nam: Quản lý môi trường trong phát triển chuỗi cung ứng

    10:55, 17/08/2023

  • Băn khoăn khoản phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

    00:20, 15/08/2023

NGUYỄN VIỆT