Cấp bách gỡ “thẻ vàng” IUU trong tháng 10
Gỡ “thẻ vàng” IUU trong tháng 10 tới là một nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện.
>>Gỡ "thẻ vàng" IUU phải đi liền với đảm bảo tính bền vững
Chia sẻ với DĐDN, PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH (TP Hải Phòng), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để loại bỏ đánh cá bất hợp pháp phải chủ động “từ sớm, từ xa”, hướng tới một nghề cá bền vững.
- Trả lời chất vấn của ĐBQH, liệu Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” IUU trong tháng 10 tới? Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác. Ông có thể bình luận về vấn đề này?
Bộ trưởng nói hoàn toàn đúng, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của ngành, trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam, cũng như từ cách giải quyết “tình thế” trước mắt để giữ hình ảnh của đất nước.
Nói cách khác, nếu chỉ cố gắng gỡ được “thẻ vàng” của EC cảnh báo đánh cá bất hợp pháp IUU ở nước ngoài vào tháng 10 năm nay là chưa đủ… Tức là, nghề cá muốn phát triển bền vững thì phải thay đổi tư duy làm ăn nghiêm túc. Bởi vì, tiêu chí của Uỷ ban châu Âu (EC) là còn một tàu vi phạm đi đánh cá bất hợp pháp ở nước ngoài thì họ cũng không gỡ thẻ vàng cho nghề cá của ta. Khi đó, nếu đã cho phép gỡ “thẻ vàng” lần thứ nhất, thì họ vẫn có thể “giơ thẻ vàng” lần thứ 2.
- Để không bị vướng "thẻ vàng" IUU, các quốc gia sử dụng các biện pháp rất mạnh, thậm chí đánh đắm tàu vi phạm quy định. Đã đến lúc, Việt Nam phải xử phạt nghiêm đủ sức răn đe, thưa ông?
Chính phủ đã xác định, ngăn chặn, phòng ngừa và tiến tới loại bỏ hoàn toàn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp IUU. Vì nước ta đã tham gia các thể chế nghề cá quốc tế và khu vực, đã ký cam kết thực hành, xây dựng và phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm với các tổ chức đại diện cho nghề cá quốc tế và khu vực. Cho nên, tháo gỡ được thẻ vàng IUU của EC còn là để bảo vệ uy tín, giữ “lời hứa” danh dự của nghề cá nước ta và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, bên cạnh xử lý “chiến dịch 180 ngày” trước mắt, phải đồng thời triển khai các giải pháp lâu dài để phát triển một nghề cá thực sự bền vững và có trách nhiệm.
Nên phạt nặng các trường hợp cố ý lẩn tránh, nguỵ tạo hành vi vi phạm. Trường hợp tái phạm sẽ thu giữ giấy phép hành nghề, không cho xuất bến.
- Có ý kiến ĐBQH cho biết, báo cáo giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ rõ, khung pháp lý của Việt Nam về IUU chưa cụ thể, khó thực hiện, thưa ông?
Thực ra, Bộ trưởng cũng thừa nhận những quy định mang tính pháp quy về IUU ở nước ta còn bất cập, còn thiếu cụ thể. Cho nên, các đối tượng liên quan phải chịu sự điều chỉnh của các quy định này còn gặp khó khăn, khó vận dụng.
Nên Bộ trưởng cam kết sẽ chỉ đạo rà soát kỹ và cụ thể những bất cập, lỗ hổng pháp lý để tham mưu cho Chính phủ xử lý theo thẩm quyền, và sẽ trả lời đại biểu và Quốc hội bằng văn bản.
Luật Thuỷ sản năm 2017, lần đầu tiên có đưa vào 14 khoản quy định về đánh cá bất hợp pháp IUU. Nhưng, suy cho cùng, đây mới chỉ là 14 tiêu chí nhận diện IUU, chưa có chế tài theo đúng ngôn ngữ của luật.
Tôi cho rằng, nếu công tác phối hợp tốt, các bên đều quyết liệt thì sẽ nhận diện đúng các lỗ hổng pháp lý về IUU, và khi đó việc hoàn thiện không phải là khó.
>>Hải Phòng: Dồn lực gỡ “thẻ vàng” IUU
>>Quảng Trị “chung tay” gỡ thẻ vàng IUU
>>Ngư dân là nhân tố quyết định thành bại trong việc gỡ thẻ vàng IUU
- Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15% so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát, thưa ông?
Câu chuyện này là có thật và trong thực tế còn phức tạp hơn nhiều. Một số ngư dân cũng sử dụng “chiêu trò” để cố tình thoát khỏi sự giám sát, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật liên quan.
Lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã phát hiện, bắt giữ và đã xử lý những tàu và ngư dân vi phạm. Mức độ xử phạt cũng tương đối nặng, nhưng có lẽ chưa đủ mức răn đe nên tiếp tục vi phạm và tái phạm.
Cần phải kiên trì “đến tận nhà, rà tận tàu” để vận động, để làm việc trực tiếp với chủ phương tiện và ngư dân, thủy thủ vi phạm, và phải yêu cầu ký “cam kết”. Sau mỗi cam kết mà vẫn vi phạm thì cứ gia tăng luỹ tiến hình phạt theo lần vi phạm.
- Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và Việt Nam đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Theo ông, Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trên?
Tôi vẫn hy vọng lạc quan sẽ gỡ được thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 này của phái đoàn EC, nhưng chắc chắn sẽ không “xuôn xẻ” và dễ dàng. Có thể vẫn bị “gài điều kiện” để tiếp tục thử thách mức độ tuân thủ các quy định của EC và triển vọng về một nghề cá bền vững ở Việt Nam.
Trường hợp xấu hơn thì họ không thông qua việc gỡ bỏ, cho phép gia hạn (kéo dài) việc cảnh báo thẻ vàng IUU thêm 1 hoặc hơn 1 năm.
Giải pháp để khắc phục các tình trạng trên, trước tiên cần triển khai tốt đợt cao điểm 180 ngày để ngăn chặn vi phạm IUU. Đồng thời, đồng bộ với các giải pháp lâu dài là yêu cầu bắt buộc để xây dựng, phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Gỡ "thẻ vàng" IUU phải đi liền với đảm bảo tính bền vững
17:20, 15/08/2023
Hải Phòng: Dồn lực gỡ “thẻ vàng” IUU
01:04, 06/08/2023
Quảng Trị “chung tay” gỡ thẻ vàng IUU
01:24, 05/08/2023
Ngư dân là nhân tố quyết định thành bại trong việc gỡ thẻ vàng IUU
19:30, 03/08/2023