Cấp bách bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất nghiêm trọng, phức tạp và phạm vi ngày càng rộng.
>>>Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng
Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí.
Tại hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí, giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo. Đồng thời, thúc đẩy một nền báo chí với "hàng thật" và "hàng chất lượng cao".
Bảo vệ bản quyền báo chí, theo ông Trần Trọng Dũng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Vi phạm bản quyền báo chí công khai và tinh vi gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nền tảng số xuyên biên giới, hệ thống trang tin tổng hợp là những nội dung được đề cập trong phần phát biểu của ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, những tác phẩm báo chí còn bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Đồng tình với những quan điểm trên, nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết, một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau vài chục phút đã có thể được cải biến thành video clip, voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng xã hội. Trong khi đó, dù đã có quy định nhưng việc bảo vệ bản quyền tác phẩm chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ.
Trước thực trạng trên, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ. Việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã và đang gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về nguồn thu.
Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần sửa đổi các quy định hiện hành; các cơ quan chức năng cần có hoạt động mạnh mẽ, nghiêm khắc và hiệu quả; đồng thời các cơ quan báo chí cần có ý thức tự bảo vệ mình…
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ và đề xuất, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số cần có bộ công cụ số để các cơ quan báo chí nhận diện thương hiệu, làm nhãn bản quyền. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ bản quyền nội dung.
Thông tin tại hội thảo, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Cục Báo chí đang tiếp tục tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Luật Báo chí, trong đó có nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian mạng, bao gồm vấn đề bản quyền, cơ sở pháp lý, xây dựng quy trình đấu tranh vi phạm về bản quyền trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, các giải pháp công nghệ để phối hợp cùng các cơ quan báo chí đo quét các nội dung vi phạm. Tất cả các cơ quan báo chí vi phạm bản quyền khi phản ánh về Cục Báo chí, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Có thể bạn quan tâm
Bảo vệ bản quyền số: Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”
03:40, 08/05/2023
Cân nhắc Biểu mức trả tiền bản quyền với lĩnh vực truyền hình
03:30, 30/11/2022
Nhức nhối vi phạm bản quyền trên không gian mạng tại Việt Nam
04:00, 28/09/2022
Hệ sinh thái số cho bản quyền âm nhạc
00:00, 20/03/2022
VNG kiện Tiktok và vấn nạn bản quyền
13:48, 26/08/2020
VNG kiện TikTok chuyện bản quyền
06:28, 25/08/2020
Facebook, Google sẽ phải trả tiền bản quyền tin tức ở Úc
16:23, 20/04/2020
Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền “Make in Vietnam”
12:05, 15/02/2020