TP.HCM sẽ triển khai 9 nội dung cụ thể Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù
Trong hơn 106 tờ trình thì có 9 nội dung triển khai cụ thể Nghị quyết 98 của Quốc hội và 98 tờ trình có các nội dung về kinh tế - xã hội, liên quan tới cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
>>Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù TP.HCM: “Cơ hội để TP hành động quyết liệt”
Đó là nội dung được nêu tại tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM thông qua việc thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, sáng 19/9/2023.
Tại kỳ họp chuyên đề, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo tóm tắt hơn 106 tờ trình. Trong đó, có 9 nội dung triển khai cụ thể Nghị quyết 98 của Quốc hội và 98 tờ trình các nội dung về kinh tế - xã hội.
Đối với 87 tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM thống kê tổng mức đầu tư lên đến 39.000 tỉ đồng. Các dự án trên nhiều lĩnh vực như giao thông, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng trường học, bệnh viện, mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp trụ sở, cải tạo nghĩa trang.
Một số dự án lớn có thể kể đến dự án xây dựng Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp hơn 9.300 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện khu vực cửa ngõ (Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi)…
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết kỳ họp này dự kiến thông qua việc thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, như: thành lập Sở An toàn thực phẩm, bộ máy tổ chức của UBND TP.Thủ Đức, danh mục dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu.
Cũng theo ông Nên, Nghị quyết 98 đã đi được một đoạn, chở những chuyến hàng đầu tiên với linh kiện khung và thiết bị tốt nhất để TP.HCM chuẩn bị cho các công việc sắp tới. Góp sức vào những chuyến hàng đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gấp rút của các đại biểu, các ban chuyên trách HĐND TP.HCM. Do đó, hoạt động giám sát là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của HĐND. Đặc biệt, thời gian qua, công tác giám sát trên địa bàn ngày càng đi vào trọng tâm, có kết luận kịp thời, phục vụ yêu cầu chính trị, từng bước nâng cao thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
"Các cuộc giám sát ngày càng chặt chẽ, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tiêu cực, chần chừ, do dự, tránh né trong bộ máy, nhất là bộ máy hành chính các cấp", ông Nên nhấn mạnh.
Về nội dung kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, trong các cuộc hội họp, kiểm tra, giám sát, mỗi người tham dự đều có một phận sự, cũng có người đảm nhiệm 2 - 3 vai. Dù vậy, mỗi người phải làm đúng, làm tốt, "đúng vai, thuộc bài" theo vị trí công tác của mình.
"Tôi phát hiện có đồng chí có lúc không đúng vai, không thuộc bài, xách cặp đi họp nhưng khi hỏi nội dung lại không biết để trả lời. Vì vậy, cán bộ phải chuẩn bị kỹ để sự có mặt của mình trong cuộc họp không thừa Bên cạnh đó, đề nghị HĐND TP.HCM tập trung công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 98, đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại, ông Nên nói.
>>Bộ máy hành chính TP Thủ Đức được sắp xếp ra sao sau Nghị quyết 98?
Đáng chú ý, tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X đã thống nhất thông qua nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hoạt động từ ngày 1/1/2024.
Sở An toàn thực phẩm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND TP và chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Việc thành lập cơ quan này được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm và kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM theo quyết định của Thủ tướng, cũng nhằm tháo gỡ những khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả đạt được sau 6 năm thí điểm hoạt động của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
Quyết định được HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng 19/9/2-23. Thành lập Sở An toàn thực phẩm là một trong những cơ chế được Quốc hội cho phép thí điểm ở TP.HCM, giao HĐND TP.HCM quyết định.
Đây cũng là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên trên cả nước. Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Sở An toàn thực phẩm được chuyển giao nguyên trạng từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
Nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ tháng 1.2024. Việc này nhằm 3 lý do: để có thời gian thực hiện công tác bổ nhiệm, bàn giao công việc; hoàn thành hồ sơ tài chính, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức năm 2023; thống nhất với thời gian chấm dứt thí điểm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong các cơ chế có chấp thuận cho TP được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Với quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến việc TP.HCM trở thành đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho điện mặt trời mái nhà công sở
11:26, 07/08/2023
TP.HCM: Áp dụng cơ chế đặc thù lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở
07:27, 07/08/2023
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư cảng Trần Đề
01:30, 08/08/2023
Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù TP.HCM: “Cơ hội để TP hành động quyết liệt”
10:33, 08/07/2023