Nên sớm thành lập Khu thương mại tự do
Với những lợi thế đặc biệt như thủ tục hành chính, thuế quan,… Khu thương mại tự do (TMTD) là “miền đất hứa” cho hoạt động sản xuất, logistics.
>>Đột phá thu hút đầu tư và phát triển kinh tế từ khu thương mại tự do
Không chỉ có vậy, Khu thương mại tự do chính là động lực để phát triển hệ thống dịch vụ cảng biển.
Những cơ chế “cho không”
Theo ông Trần Thoang – Giám đốc CT Strategies Việt Nam, Chuyên gia cao cấp Hải quan và Thương mại CT Strategies Hoa Kỳ, doanh nghiệp hoạt động trong Khu TMTD được hưởng Thủ tục hải quan đơn giản nhanh chóng, thông quan tự động trong vòng 5 phút, không yêu cầu giấy phép quá cảnh, tờ khai hải quan, sử dụng tờ khai hải quan tối giản và nhiều lần cho nhập khẩu, tự do mua bán trong Khu TMTD và không phải làm thủ tục hải quan, được bán hàng hóa vào nội địa,…
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu TMTD còn được hưởng các cơ chế ưu đãi vượt trội hơn rất nhiều so với trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất như: sản xuất hàng hóa nông sản, tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế, đào tạo, nghiên cứu; Đối với hoạt động nhập khẩu NPL/thành phẩm: Được nhập khẩu ngay và không phải chịu các loại thuế, giảm tối đa chi phí logistics, chỉ phải nộp thuế khi đưa vào thị trường nội địa tiêu dùng,… Ngoài ra còn hàng loạt các cơ chế ưu đãi vượt trội khác về xuất khẩu, hạ tầng kỹ thuật, an ninh an toàn, quy trình xét duyệt doanh nghiệp,…
Trong Khu TMTD, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công mà không chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, hàng hóa này có thể nhập khẩu vào nước sở tại, hoặc xuất đi các nước khác. Do đó, xét về mặt vị trí, Khu thương mại tự do sẽ có “đất diễn” tốt nhất khi cận kề khu vực cảng biển, bởi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được tập kết chủ yếu tại đây. Trong Diễn đàn Liên kết phát triển Logistics vùng Đông Nam Bộ mới đây, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc hình thành Khu TMTD gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ nếu sớm triển khai sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu tận dụng hiệu quả các tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh mới như:
Thứ nhất, hàng hóa của các nước và vùng lãnh thổ đều có thể được chuyển đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công tại Khu TMTD của Bà Rịa-Vũng Tàu mà không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, sản phẩm có thể có lựa chọn xuất khẩu sang một nước khác, hoặc nhập khẩu vào Việt Nam,… Thứ hai, đây có thể là nơi thử nghiệm vận hành các sáng kiến, dự án chuyển đổi số gắn với hải quan nói riêng và quản lý hoạt động thương mại nói chung. Thứ ba, nếu tư duy và tổ chức hợp lý hướng đến phát triển bền vững, Khu TMTD ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có thể trở thành địa bàn thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với xử lý, chế biến các đầu vào từ nhập khẩu mà trước đây chúng ta thường coi là phế phẩm, phụ phẩm,…
Cần lắm những mô hình thí điểm
Hiện nay, với 2 khu vực sôi động về hoạt động cảng biển ở 2 đầu đất nước như Hải Phòng và Vũng Tàu thì mô hình Khu TMTD là xúc tác để phát triển mạnh hơn nữa hoạt động cảng biển. Không sai khi một chuyên gia ví von “nếu cảng biển gắn liền với Khu TMTD thì chẳng khác nào cá gặp nước”.
Mặc dù mô hình Khu TMTD có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy nhưng tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa từng được thí điểm? Nguyên nhân đầu tiên là do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các Khu thương mại tự do chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như Khu phi thuế quan, Khu kinh tế, KCN, Khu chế xuất, Kho ngoại quan hay Khu TMTD theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc Khu TMTD được nhìn nhận đúng đắn về các lợi ích đem lại từ các cũng tác động của chúng dưới góc độ kinh tế cũng như nhân khẩu học.
Để phát triển Khu TMTD để trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng Khu TMTD trên địa bàn phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ ở quy mô vùng và liên vùng. Mặt khác, rà soát các chính sách kinh tế - thương mại và các chính sách liên quan, trong đó có cả các chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích (tài chính-bảo hiểm-ngân hàng, y tế,…) phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong Khu TMTD.
Đối với “thủ phủ” cảng biển Hải Phòng, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, Hải Phòng vừa có cảng, vừa nằm ở khu vực biên giới biển và như vậy chúng ta mới có thể thiết lập được Khu vực TMTD. Tại đó, các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tiến hành sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi họ xuất khẩu sang một địa điểm khác hoặc xuất khẩu vào Việt Nam. Đây là một điều thuận lợi lớn. Và để làm được điều này thì cũng cần sự chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền TP Hải Phòng để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một Khu TMTD.
Có thể bạn quan tâm
Đột phá thu hút đầu tư và phát triển kinh tế từ khu thương mại tự do
03:40, 09/09/2023
Khu thương mại tự do - mô hình kinh tế mẫu!
02:37, 26/07/2023
Nghiên cứu tính khả thi thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng
01:55, 10/07/2023