Chính thức hợp long cầu Mỹ Thuận 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2. Dự án được đánh giá là huyết mạch nối liền 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
>>Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Nghiên cứu, tính toán trên nguyên tắc tiết kiệm!
Theo đó, chiều 14/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 2.2020, do Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Sau hơn 40 tháng thi công, công trình đạt hơn 95% khối lượng.
Cầu Mỹ Thuận 2 được đánh giá là công trình huyết mạch nối liền 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, hình thành tuyến cao tốc đường bộ từ TP.HCM đi Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và 2 đường dẫn bắt đầu từ Km1010+126, nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung (H.Cái Bè, Tiền Giang) và điểm cuối tại Km107+740, nối vào tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao QL80 (thuộc địa phận TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long).
Tổng chiều dài của dự án 6,6 km; phần cầu chính dài 1,9 km. Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7 km (phía Tiền Giang 4,33 km, phía Vĩnh Long 0,4 km); tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường khoảng 32 m. Vận tốc thiết kế 80 km/h, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25 m; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650 m; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276 m.
Vị trí cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song với trục QL1, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu. Dự kiến, cuối năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được đưa vào khai thác. Cùng với đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng dự kiến hoàn thành và thông xe vào cuối năm nay, giúp thông suốt tuyến cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh vùng ĐBSCL. Ngoài ra, công trình còn giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Phát biểu tại lễ hợp long, Thủ tướng đánh giá cao công trình cầu Mỹ Thuận 2 - cây cầu mang thương hiệu Việt Nam, do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Đây là điều rất đáng biểu dương khi trước đây xây dựng cầu Mỹ Thuận 1, chúng ta phải vay vốn nước ngoài, thuê các đơn vị nước ngoài trong các khâu thiết kế, thi công và phụ thuộc công nghệ nước ngoài.
Đồng thời, Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, nhà thầu, đơn vị tư vấn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức về đại dịch, giá cả, thời tiết… để có thể rút ngắn thời gian thi công ít nhất 3 tháng so với kế hoạch và ngắn hơn so với cầu Mỹ Thuận 1.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án cao tốc khác trong khu vực ĐBSCL bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Sau khi hợp long, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe dự án vào cuối năm 2023, bảo đảm chất lượng công trình và phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh ĐBSCL, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực, đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ.
Liên quan những áp lực về tiến độ, trước đó, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết, khó khăn lớn nhất đối với quá trình về đích của dự án hiện nay chính là vấn đề thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, toàn bộ nhân lực thi công trên cao phải luôn luôn tập trung cao độ, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động. Thi công trong khu vực sông sâu nước chảy xiết, vật tư, vật liệu phải cung cấp qua hệ sà lan, bê tông phải cung cấp trên hệ nổi nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Để xử lý các khó khăn nêu trên, Ban điều hành dự án đã có những biện pháp như: yêu cầu nhà thầu thi công tăng cường nhân công, tăng ca kíp, thi công ngày đêm khi có điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như theo dõi dòng nước để có thể kịp thời vận chuyển vật tư, vật liệu tập kết ở kho, bãi nhằm cung cấp cho hạng mục đang triển khai thi công khi gặp thời tiết bất lợi.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 2.2020, tổng chiều dài 6,61 km. Công trình có điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9 km, được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự kiến lúc ban đầu, cầu sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. |
Có thể bạn quan tâm
Nhà thầu “loay hoay” với dự án cầu Mỹ Thuận 2
16:57, 31/07/2021
Bổ sung nút giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vì ảnh hưởng đường dân sinh
00:06, 03/10/2023
Thêm doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận
01:40, 02/10/2023
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Nghiên cứu, tính toán trên nguyên tắc tiết kiệm!
19:55, 23/11/2022
Đề xuất 3 phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
01:48, 30/08/2022
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thu phí từ ngày 8/8/2022
16:58, 04/08/2022