“Bấp bênh” thông quan cửa khẩu Bắc miền Trung

NGỌC THÁI 25/10/2023 01:00

Gánh nặng về các loại thuế, phí cùng với các thủ tục liên quan trong khi hạ tầng giao thông vận tải chưa thể khơi thông trong bối cảnh cạnh tranh khu vực gay gắt…

>>Quảng Trị: Loay hoay với hạ tầng cửa khẩu

 Hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) vẫn còn ngổn ngang khiến việc thông quan hàng hoá gặp không ít khó khăn

Hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) vẫn còn ngổn ngang khiến việc thông quan hàng hoá gặp không ít khó khăn

Thực trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá lẫn đơn vị vận tải liên vận Việt – Lào đang gặp phải khi thông quan ở một số cửa khẩu chính ngạch khu vực Bắc miền Trung nếu không được khơi thông kịp thời cả thượng tầng lẫn hạ tầng.

Hành lang kinh tế mở nhưng… cửa vẫn hẹp

Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), chương trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thống nhất sáng kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ tám, tổ chức tại Manila vào năm 1998 (đến tháng 12/2006 mới chính thức hoạt động), nhiều quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đã không ngừng tập trung đầu tư hạ tầng cửa khẩu cùng với hệ thống giao thông xuyên suốt. Đây là tuyến đường bộ dài 1.450km đi qua 13 địa phương của 4 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar đến Đà Nẵng, Việt Nam kết thúc, nối liền bốn nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

“Mặc dù, EWEC được xem như con đường tắt để các nước khu vực bán đảo Đông Dương xích lại gần nhau hơn trên hành trình phát triển thương mại dịch vụ vận tải nhưng do hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp kịp thời nên chi phí logistics quá cao, thời gian di chuyển chậm đang khiến ngành vận tải liên vận Việt – Lào gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Chưa kể, nhiều cơ chế, chính sách và thủ tục thông quan hiện vẫn còn rườm rà, thậm chí doanh nghiệp phải bỏ chi phí quá lớn mới có thể thông quan khi triển khai dịch vụ vận tải liên vận quốc tế Việt – Lào” – ông Nguyễn Hữu Duyên, Phó TGĐ Công ty CP VILACONIC cho biết.

Thực tế cho thấy, để EWEC thực sự có hiệu quả, tạo đà kết nối thông thương thì những “rào cản mềm” cùng với các “rào cản cứng” cần được sớm khơi thông. Bởi hiện nay, ngoài những hạn chế về hạ tầng giao thông dọc EWEC đã định hình sẵn thì các tuyến lộ vệ tinh dọc các cửa khẩu khu vực Bắc Trung Bộ vẫn còn nhiều bấp bênh về mọi mặt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, suốt một năm qua, phía Lào quy định không cho xe biển kiểm soát Việt Nam thùng rỗng khi vào địa phận cũng khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn chồng chất. Nghĩa là, nếu phương tiện đăng ký, đăng kiểm biển kiểm soát Việt Nam khi nhập cảnh qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh)…mà không chở hàng hoá thì không được vào sâu trong địa phận Lào.

Tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, dù tỉnh Hà Tĩnh đã dừng việc thu phí hạ tầng đối với hàng hoá khi thông quan trong nhiều năm qua nhưng gần 2 tháng nay, lượng phương tiện thông quan chỉ đạt trên dưới khoảng 200 - 300 xe/ngày và lượng người xuất nhập cảnh còn 700 – 800 lượt/ngày (giảm khoảng 50%).

>>Quảng Trị: “Chiếc áo” nay đã… chật ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay!

Gánh nặng chi phí hạ tầng

Ông Nguyễn Tiến Sơn – Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, trong những tháng gần đây lượng người, hàng hóa, phương tiện thông quan giảm mạnh như hiện nay là rất đáng lo ngại. Nguyên nhân do đoạn đèo Đất thuộc địa phận tỉnh Bôlykhăm xay (Lào) chưa thông tuyến, do đó tuyến đường phía nước bạn Lào về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn còn bị tê liệt.

Trong khi đó, ông Lưu Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng các KCN, KKT Quảng Bình cho biết, từ năm 2013 đến nay mức phí được quy định hiện nay có đơn giá từ 50.000 – 1.300.000 đồng/xe. Trong đó, với hàng hóa xuất khẩu sẽ có mức phí cao nhất là 450.000 đồng/ xe. Đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất có mức phí từ 200.000 – 1.300.000 đồng/xe, cao nhất là phương tiện có tải trọng từ 20 tấn trở lên, xe container 40Feet. Với các phương tiện vận chuyển hàng hóa khác có mức thu phí từ 200.000 – 1.100.000 đồng/xe.

Còn tại cửa khẩu Lao Bảo (Huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) với phương tiện chở gỗ, quặng các loại tải trọng dưới 5 tấn là 200 nghìn đồng/xe/lượt; từ 5-10 tấn là 300 nghìn đồng/xe/lượt; từ 10 - dưới 20 tấn, container 20 feet là 500 nghìn đồng/xe/lượt; trên 20 tấn và container 40 feet là 700 nghìn đồng/xe/lượt. Cùng khung tải trọng như trên, đối với thạch cao và hàng hóa khác dao động từ 50 - 300 nghìn đồng/xe/lượt. Cùng với các khung tải trọng đối với chủng loại hàng hóa gỗ, quặng, xe thông quan qua cửa khẩu La Lay (Huyện Dakrong - Quảng Trị) phải đóng từ 100 - 350 nghìn đồng/xe/lượt. Đối với thạch cao và các mặt hàng khác phí dao động từ 25 - 150 nghìn đồng/xe/lượt.

Như vậy, với cùng một hệ thống các cặp cửa khẩu quốc tế Việt – Lào dọc các tỉnh Bắc miền Trung có thể nhận thấy, việc thu phí hạ tầng cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm. Bởi ngoài khó khăn về gánh nặng chi phí logistics thì với việc thu phí hạ tầng mỗi nơi một kiểu trong khi hạ tầng vẫn còn yếu và thiếu đang tạo ra tín hiệu không tốt cho ngành vận tải hàng hoá liên vận trong suốt thời gian qua.

Trước đó, vào tháng 09/2018, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 44/2015/QĐ - UBND ngày 04.9.2015 về “Quy chế phối hợp thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu quốc tế Cầu Treo” quy định mức phí đối với phương tiện có tải trọng từ 20 tấn trở lên, xe container 40feet có mức phí là 800 nghìn đồng/xe/lượt, các lái xe vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu này đồng loạt phản đối vì cho rằng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, mức phí quá cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Trị: Loay hoay với hạ tầng cửa khẩu

    01:18, 21/10/2023

  • Quảng Trị: “Chiếc áo” nay đã… chật ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay!

    01:37, 16/10/2023

  • Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình?

    03:32, 15/10/2023

NGỌC THÁI