Xung đột Israel - Hamas gây gián đoạn chuỗi cung ứng

NHẬT QUANG 27/10/2023 05:00

Xung đột Israel-Hamas là cuộc khủng hoảng địa chính trị dù xảy ra cách Việt Nam xa hàng ngàn dặm nhưng đang ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và logistics của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

>>Doanh nghiệp và cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Tiến sĩ Majo George và Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, hai chuyên gia nghiên cứu về logistics và chuỗi cung ứng tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định về ảnh hưởng của cuộc xung đột Israel-Hamas đối với những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia.

Tiến sĩ Majo George: “Xung đột Israel-Hamas gây ra làn sóng chấn động đối với ngành logistics và cung ứng toàn cầu”.

Xung đột Israel-Hamas là cuộc khủng hoảng địa chính trị dù xảy ra cách Việt Nam xa hàng ngàn dặm nhưng đang ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và logistics của toàn thế giới, trong đó có cả những chuỗi cung ứng quan trọng đối với nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Cuộc xung đột này là một thử thách bất ngờ đối với kinh tế thế giới, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho mạng lưới cung ứng toàn cầu vốn rất mong manh.

Israel, một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn do xung đột. Ngành công nghiệp bán dẫn phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng ổn định để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chip trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, ô tô và điện tử tiêu dùng. Phân tích của Bloomberg cho thấy bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng này đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, thậm chí đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái. Bất ổn do xung đột đã gây ra nhiều lo ngại, buộc các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược của mình.

Việt Nam, ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, sẽ đặc biệt cảm thấy được sức ép này. Đất nước hình chữ S đã và đang chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ngành điện tử và công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất kỳ gián đoạn nào ở thượng nguồn đều có thể gây ra tác động lan rộng đến nền kinh tế của đất nước.

Cuộc xung đột ở Trung Đông đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển đường biển, vốn là huyết mạch của nền thương mại toàn cầu. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu đang phát triển mạnh, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến thương mại hàng hải. Các cảng và tuyến đường vận chuyển bị ảnh hưởng bởi xung đột có thể dẫn đến chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả chi phí của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Hơn nữa, cuộc xung đột cũng chỉ ra những điểm dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là lời nhắc nhở rõ ràng rằng căng thẳng địa chính trị, ngay cả ở một nơi xa xôi trên thế giới, có thể gây ra hiệu ứng domino như thế nào đối với nhiều quốc gia khác nhau. Các doanh nghiệp hiện buộc phải đánh giá lại các chiến lược quản lý rủi ro, đa dạng hóa nhà cung cấp và cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất về trong nước hoặc quốc gia lân cận để giảm thiểu rủi ro.

Xung đột Israel-Hamas đã nêu bật sự cần thiết của một chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt và mạnh mẽ hơn. Đối với Việt Nam và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, đầu tư vào năng lực địa phương và xây dựng các kế hoạch dự phòng ngày càng trở nên cấp thiết. Xung đột cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dự đoán và chuẩn bị cho những gián đoạn địa chính trị trong một thế giới kết nối toàn cầu.

Tóm lại, hậu quả của xung đột Israel-Hamas đang hiện hữu trên toàn cầu và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và logistics, kể cả ở Việt Nam. Khi tình hình căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia và doanh nghiệp phải điều chỉnh và củng cố chiến lược của mình để đảm bảo ổn định và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước những bất ổn địa chính trị.

>>Con đường nào để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Xung đột Israel-Hamas làm tổn hại đến tiềm năng của chuỗi cung ứng nông nghiệp và công nghệ cao, ảnh hưởng đến quá trình đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”.

Quan hệ Israel-Việt Nam đang mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, khoa học và công nghệ, và đáng chú ý là cả trong lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam được coi là “đối tác mới nổi trong chính sách 'xoay trục sang châu Á' của Israel" theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat đặt tại Israel. Mối quan hệ song phương đạt thêm một cột mốc quan trọng vào ngày 25/7/2023 khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) tại Tel Aviv trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Cột mốc quan trọng này mang đến cho hai nước nhiều cơ hội trao đổi sản phẩm, dịch vụ và chuyên môn công nghệ. Theo hãng tin Reuters, thương mại giữa hai nước đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 3 tỉ đô la Mỹ sau VIFTA .

Chuỗi cung ứng nông nghiệp và công nghệ cao đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại song phương. Việt Nam chủ yếu hưởng lợi từ xuất khẩu sang Israel (đạt 785,7 triệu đô la Mỹ vào năm 2022) với các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện, hải sản, hạt điều và cà phê. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu ồ ạt thiết bị công nghệ cao, sản phẩm và linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng, phân bón từ Israel (tổng trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022).

Việt Nam đã và đang cân nhắc hợp tác với Israel cho những bước phát triển chiến lược tiếp theo trong cung ứng quân sự và chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn. Trên thực tế, Israel đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng lớn về bán dẫn. Đây là một quốc gia nhỏ nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chip toàn cầu. Theo báo cáo của Bloomberg, Israel là “nguồn cung quan trọng về nhân tài kỹ thuật, trung tâm của các nhà sản xuất chip quốc tế và mảnh đất màu mỡ để ươm mầm các công ty khởi nghiệp bán dẫn mà các doanh nghiệp lớn thường muốn mua lại”.

Xung đột Israel-Hamas đang diễn ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng trên, đặc biệt đối với nhu cầu và hợp tác kỹ thuật. Phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và có khả năng thích ứng đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với việc tăng trưởng thương mại trong môi trường bị gián đoạn này. Nhiều nghiên cứu gần đây kêu gọi các ngành công nghiệp chủ động quản lý chuỗi cung ứng và số hóa hoạt động của mình để luôn được cập nhật. Chúng tôi khuyên những người làm trong ngành và các hiệp hội chuỗi cung ứng nên liên tục cập nhật thông tin trong những giai đoạn bất ổn hiện nay bằng cách liên hệ với các nguồn uy tín để có được báo cáo cập nhật mới nhất và đáng tin cậy nhất. Việc hoạch định chiến lược theo các kịch bản cụ thể và củng cố nguồn cung tin cậy có thể nâng cao khả năng phục hồi và tính linh hoạt trong hoạt động thương mại.

Những biện pháp chiến lược trên rất cần thiết để đảm bảo dòng hàng hóa xuyên biên giới thông suốt hơn, góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại toàn cầu trước những xung đột tiềm ẩn trong tương lai. Ngay cả khi lưu thông sản phẩm và dịch vụ có thể bị đe dọa do những gián đoạn hiện nay, hợp tác về công nghệ và trao đổi chuyên môn vẫn có thể tiếp tục diễn ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp và cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu

    11:46, 26/10/2023

  • Doanh nghiệp chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu

    00:35, 26/10/2023

  • Con đường nào để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

    03:00, 12/10/2023

  • Cơ hội để Việt Nam đón bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

    03:30, 08/10/2023

NHẬT QUANG