Nghị quyết cơ chế đặc thù công trình giao thông đường bộ: “Thí nghiệm” cho cải cách thể chế
Cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là một trong những “thí nghiệm” chuẩn bị cho những cải cách đồng bộ tiếp theo của thể chế.
>>Khơi thông nguồn lực cho lĩnh vực giao thông đường bộ từ Nghị quyết mới
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV không chỉ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trước mắt cho riêng ngành giao thông mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách thể chế.
- Các nhà đầu tư tư nhân và chính quyền nhiều địa phương kỳ vọng Nghị quyết trên sẽ tháo “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế hóa chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong bối cảnh cơ chế chung còn nhiều điểm vướng mắc, khi sửa đổi phải đồng bộ các hệ thống quy định pháp luật liên quan đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, việc Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông đường bộ trong bối cảnh mới là điều rất cần thiết.
Nghị quyết này có ý nghĩa trên hai phương diện: một là bảo đảm thúc đẩy đầu tư công; hai là tạo cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế. Bởi thúc đẩy đầu tư công nói chung, thúc đẩy các dự án về hạ tầng giao thông nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đây sẽ như điểm “kích hoạt” cho việc duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng.
Quan trọng hơn, thông qua cơ chế thí điểm này sau đó có thể sơ kết, tổng kết và nhân rộng. Cơ chế đặc thù có thể trở thành cơ chế phổ biến trong tương lai. Như vậy, việc triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông đường bộ có ý nghĩa hai mặt.
Thứ nhất, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Thứ hai, hình thành thể chế đồng bộ trong tương lai để thúc đẩy các dự án nói chung, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông.
Như vậy, tất cả các địa phương, ngành giao thông, nhà đầu tư rất trông chờ nghị quyết này được thông qua. Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là làm như thế nào đưa được tiền vào trong nền kinh tế. Đó là, đầu tư công phải đẩy nhanh nhất và vốn tín dụng ngân hàng phải được bơm vào nền kinh tế.
Do thể chế của chúng ta còn nhiều vấn đề, nên dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được. Trong khi, việc bơm tiền cho nền kinh tế trở thành một trong những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh các động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng xã hội đang chững lại, đầu tư công giữ một vai trò quan trọng.
>>Xoay vốn cho các dự án BOT
Hiện nay, các chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đã đảm bảo bao quát cả 3 động lực này. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể thực hiện ngay, thực hiện nhanh và tạo ra tác động lan toả đó chính là đầu tư công.
Cho nên, mặc dù Nghị quyết chỉ đề cập đến chính sách, cơ chế trong một lĩnh vực hẹp, nhưng có ý nghĩa lan toả trong nền kinh tế, giúp định hình một cơ chế phù hợp hơn cho đầu tư công nói chung, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng và tổng quát hơn là đầu tư của toàn xã hội.
-Theo ông các cơ chế đặc thù cần phải dựa trên nguyên tắc nào để đảm bảo tính thực thi hiệu quả và ngăn ngừa tiêu cực?
Một trong những yêu cầu rất quan trọng cho việc triển khai Nghị quyết là phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các cấp, các ngành tham gia và theo hướng tăng cường tối đa sự phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ của các đơn vị chủ đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu, các nhà đầu tư để huy động nguồn lực toàn xã hội có thể tham gia cùng với đầu tư của nhà nước.
Do là cơ chế đặc thù, cơ chế đặc biệt, cơ chế thí điểm cho nên cách thức thực hiện của chúng ta là theo nguyên tắc quản trị rủi ro, trên cơ sở những tính toán, cân nhắc để đảm bảo tính hiệu quả, tránh hiện tượng trục lợi.
Chúng ta chấp nhận rủi ro trong phạm vi có thể. Không thể “tuyệt đối hoá” những biện pháp cải cách. Vì cải cách thì phải chấp nhận có rủi ro, chúng ta phải chấp nhận điều đó nếu muốn vượt lên phía trước.
- Về lâu dài, để tránh các hệ lụy phát sinh, tạo sự ổn định cần hạn chế những cơ chế chính sách mang tính đặc thù, thưa ông?
Chưa bao giờ chúng ta có nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt, thí điểm như hiện nay. Điều đó là cần thiết, bởi vì chúng ta chưa có đủ điều kiện để tháo gỡ và giải quyết một cách đồng bộ thể chế của nền kinh tế. Cho nên, những biện pháp thí điểm đặc thù trong từng lĩnh vực là rất quan trọng.
Cơ chế đặc thù là “phòng thí nghiệm” chuẩn bị cho những cải cách đồng bộ tiếp theo của thể chế. Chính vì vậy, việc thực hiện cơ chế đặc thù cho một số lĩnh vực, nhất là với những vực đang rất nóng, đang cần đẩy nhanh tiến độ triển khai như lĩnh vực giao thông không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy cho tăng trưởng, mà còn giải quyết những vướng mắc khó khăn trước mắt của riêng lĩnh vực này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông nguồn lực cho lĩnh vực giao thông đường bộ từ Nghị quyết mới
15:16, 27/10/2023
"Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị việc tách Luật Giao thông đường bộ"
17:00, 16/04/2022
Tách Luật Giao thông đường bộ - Còn đó nhiều ý kiến trái chiều
03:50, 28/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương tích hợp Kế hoạch hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2021-2030
21:29, 16/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2021-2030
21:55, 08/11/2021