Nông nghiệp công nghệ cao: Không thể sản xuất theo phong trào
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp ngày càng có những đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cũng trở thành mảnh đất màu mỡ.
>>>Cần chính sách ưu đãi đặc thù dài hạn cho thu hút đầu tư nông nghiệp ĐBSCL
Nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.
Nhiều thành tựu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Phát biểu tại tọa đàm “Thanh niên nông thôn khởi nghiệp” với chủ đề “Nông nghiệp công nghệ cao – Cơ hội và thách thức” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Sóc Trăng sáng 12/11, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, đã có nhiều dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được triển khai.
Ví dụ, trong trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới, thuốc BVTV sinh học, chất kích thích sinh trưởng quy mô công nghiệp…
Trong lâm nghiệp sản xuất giống một số giống cây trồng lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu mới; trong chăn nuôi, thú y chú trọng sản xuất dòng, giống vật nuôi; chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin. Trong thủy sản: Sản xuất giống thủy sản; nuôi thâm canh, siêu thâm canh; sản xuất thức ăn, chất kích dục tố, thuốc…
“Hiện, đã có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung Bộ); có 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 18.089 ha. Cả nước có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hình thành gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết”, ông Hiển thông tin.
Ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn cho biết, ngày 27/6/2022, Trung ương Đoàn ban hành Kế hoạch số 541-KH/TWĐTN-TNNT “Tuổi trẻ với nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng xanh và đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện, trong đó có thúc đẩy thanh niên phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có trách nhiệm.
“Nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng ở các bạn trẻ có một điểm chung là quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp – nông nghiệp thông minh thời kỳ mới”, ông Cương cho biết.
Cũng theo ông Cương, thời gian qua Trung ương Đoàn đã hỗ trợ và đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số.
Đánh giá về quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, quá trình tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 5 năm qua cho thấy hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng có đóng góp quan trọng. Nếu như năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,5 tỷ USD thì con số này của năm 2022 là 53,04 tỷ USD.
“Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp ngày càng có những đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao để thay đổi diện mạo sản xuất. Tuy vậy, với quy mô sản xuất nông hộ, rất khó để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, do vậy, cần thiết phải liên kết sản xuất theo chuỗi”, ông Đình Anh nói.
>>>Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD
Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp xanh
Chia sẻ tại Tọa đàm, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ, Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại cho anh những cơ hội vô cùng lớn.
Là sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trong đồ án tốt nghiệp của mình, Nguyễn Văn Thiên Vũ đã chọn sáng chế máy bay không người lái (drone). Năm 2015, từ gợi ý của khách hàng, Vũ và các cộng sự nhen nhóm sản xuất drone cho nông nghiệp. Sau nhiều vất vả, thăng trầm, đến nay, sau 5 năm, doanh nghiệp của Vũ đã đạt được nhiều thành tựu như: hỗ trợ lũy kế cho khoảng 5 triệu hecta đất canh tác ứng dụng drone trong sản xuất, góp phần tiết kiệm được khoảng 1 tỷ lít nước trong canh tác nông nghiệp, phần nào giảm phát thải khí mê tan gây hiệu ứng nhà kính, giảm một phần lượng thuốc rơi vãi trên nước và đất, chi phí canh tác giảm 20-30%.
“Việc ứng dụng công nghệ cao của AgriDrone Việt Nam còn góp phần tạo sinh kế cho khoảng 6.000 người, trong đó 70% là thanh niên”, Vũ cho biết.
Từ kinh nghiệm của bản thân, để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thành công, Nguyễn Văn Thiên Vũ cho rằng, phải lựa chọn công nghệ phù hợp. “Khi áp dụng một công nghệ mới vào sản xuất thì phải biết người nông dân cần gì thì mới hiệu quả, sau đó đưa công nghệ về cho bà con theo nguyên tắc “3 cùng”; cùng chơi và cùng thành công”, Vũ khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Võ Nam Sơn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, từng có nhiều công nghệ được áp dụng trong quá trình nuôi cá tra của người dân Đồng bằng sông Cửu Long nhưng do không phù hợp nên rất khó nhân rộng, ví dụ công nghệ cho ăn tự động hay phun thức ăn cho cá tra,…
Trong khi đó, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, cha đẻ của gạo ngon nhất thế giới ST25 thì cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo xu hướng tăng trưởng xanh. Được biết, doanh nghiệp của ông Cua đang triển khai dự án sản xuất lúa hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học với diện tích khoảng 1.000ha ở vùng bán đảo Cà Mau.
Nói về xu hướng đưa nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào mục tiêu phát triển xanh, bền vững và trách nhiệm, TS Mai Nguyệt Lan, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các giải pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính hiện nay đang rất được quan tâm. Hiện, Bộ NNPTNT đang xây dựng và triển khai đề án sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải.
Nếu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như sạ cụm, sạ thưa; quy trình ngập khô xen kẽ có thể giảm được đến 20% lượng khí phát thải. Điều quan trọng là mỗi nông dân phải từng bước thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng được yêu cầu bởi giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành một thước đo quan trọng của giá trị sản phẩm nông sản.
Từ góc độ của một doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững và có sử dụng nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp trong quá trình sản xuất, bà Đinh Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Truyền thông Doanh nghiệp - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn nguyên liệu chất lượng là những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất một cách bền vững.
Song song đó, SABECO vận dụng các sáng kiến ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong hoạt động sản xuất kinh doanh như sử dụng năng lượng mặt trời tại 17/26 nhà máy, sử dụng bao bì hoặc tái chế được hoặc mỏng hơn để giảm thiểu tác động đến môi trường. SABECO cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng nơi doanh nghiệp sản xuất.
“Hiện chúng tôi phối hợp với Trung ương Đoàn thực hiện dự án Thắp sáng đường quê trang bị đèn đường bằng năng lượng mặt trời tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Chúng tôi cũng xác định sẽ đầu tư mạnh vào bảo vệ nguồn nước và phát triển trồng rừng tại các địa phương,” bà Hường chia sẻ.
Về các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ông Hiển cho rằng, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã về tiếp cận các nguồn lực, vay vốn; đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; tích tụ, tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm
Vĩnh Phúc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào nông nghiệp công nghệ cao
06:17, 06/11/2023
Ngành nông nghiệp và bài toán chia sẻ năng lượng, giảm phát thải carbon
01:08, 02/11/2023
Cần chính sách ưu đãi đặc thù dài hạn cho thu hút đầu tư nông nghiệp ĐBSCL
14:56, 30/10/2023
Cơ chế "mở đường" thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
14:00, 28/06/2023
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đồng bộ
04:00, 27/06/2023
Cần mô hình nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa tại thủ phủ rau quả Tây Bắc
15:44, 20/05/2023