Có nên quy định dạy thêm là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
>>Học thêm - cái nhìn khách quan
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, dạy thêm, học thêm là vấn đề lớn, xuất phát từ nhu cầu thực tế và cũng rất đa dạng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều quy định, trong đó có Thông tư 17/2012 để kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường; cũng như các vấn đề về đạo đức, công vụ của nhà giáo, ứng xử học đường…
Tuy nhiên, riêng với môi trường ngoài nhà trường, hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý để giám sát, điều tiết, xử lý nếu có vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2020, trong quá trình sửa luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng có văn bản đề xuất gửi tới Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ KH-ĐT, nhưng không rõ lý do vì sao việc này không được chấp thuận.
Theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm bên ngoài trường học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để lành mạnh hóa hoạt động dạy thêm, học thêm thì đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể riêng lẻ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng, bên cạnh mặt tích cực là cải thiện đời sống cho một bộ phận giáo viên, hoạt động này ở nhiều nơi đang bị biến tướng, tạo áp lực cả về học tập và kinh tế cho học sinh, phụ huynh.
Ông Huy đề nghị Bộ GD-ĐT sớm sửa đổi các quy định liên quan theo hướng sâu sát, hài hòa lợi ích giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên; siết chặt chất lượng giờ học chính khóa, thay đổi tư duy thi cử, "cởi trói" áp lực học hành… Đặc biệt, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT sớm tham mưu trình, để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) khẳng định học thêm là nhu cầu có thật 100% của phụ huynh, học sinh. Chương trình GDPT mới vẫn nói giảm áp lực cho học sinh, nhưng trên thực tế không hề giảm, khối lượng bài vở, kiến thức vẫn rất lớn. Có những phần kiến thức học sinh không đi học thêm chắc chắn sẽ bị hao hụt, vì thầy cô không thể dạy hết trên lớp. Bộ GD-ĐT đưa ra những yêu cầu cần đạt về mặt kiến thức với học sinh, nhưng khi kiểm tra, thi cử, chắc chắn sẽ có thêm phần nếu không học thêm các em khó có thể làm được.
Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng cho rằng cần đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các trung tâm dạy thêm, học thêm cần được quản lý, đảm bảo có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất mới được phép hoạt động, điều này là phù hợp. “Việc quy định dạy thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý, điều này cũng đỡ “mang tiếng" cho các trường. Trung tâm nào tốt, học sinh có quyền lựa chọn, không nhất thiết phải theo giáo viên trong trường. Khi có quy định và quản lý rõ ràng, cũng hạn chế được những mặt trái của việc dạy thêm, học thêm như hiện nay”. - ông Nguyễn Văn Xuân nói.
Người đứng đầu Trường THCS Hạ Bằng cũng cho rằng, bộ phận cấp phép cần rất khách quan, bởi sẽ có nhiều cách để lách luật nhằm được cấp phép, nếu bộ phận đánh giá cấp phép không làm việc xác đáng, thực chất, vẫn sẽ hình thành những cơ sở kém chất lượng, việc quản lý dạy thêm học thêm vẫn sẽ "bình mới rượu cũ".
>>Lên án, ngăn chặn tình trạng ép học thêm trực tuyến!
Trong khi đó, trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nêu ý kiến: Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học sinh tiểu học, 6 - 10 tuổi, học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng phải học thêm, học đến mức các con mụ mị, mất cả thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Học sinh THCS, THPT cũng học thêm nhiều buổi trong tuần. Học sinh trường chuyên còn đi học nhiều hơn trường không chuyên. Các con muốn đi học thêm cũng có. Bố mẹ bắt đi học thêm cũng có. Tệ nhất là giáo viên ép học trò của mình đến lớp của cô để học thêm.
"Học thêm tràn lan, tức là quá mức cần thiết hoặc bị (bố mẹ, thầy cô) ép buộc là mặt trái của việc dạy học nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng. Xã hội không đồng tình với việc dạy thêm tràn lan. Tôi phản đối kịch liệt việc dạy thêm tràn lan, nhưng ngược lại, hoan nghênh việc dạy thêm hợp lý và học thêm hợp lý", ông Kháng nói và cho rằng Không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong luật Đầu tư 2020".
Trước vấn đề trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho rằng, đây là quyền của mỗi người học, không nên cấm. "Quan trọng là việc tổ chức hoạt động này như thế nào cho đúng quy định của pháp luật chứ không thể để như hiện nay, hoạt động dạy thêm ngoài trường học còn đang tù mù. Tại một số trường có tình trạng thầy cô dùng sức ép của điểm số để lập ra những lớp, nhóm lớp dạy thêm. Việc cần làm là phải tính toán tới các quy định chặt chẽ, có bộ phận kiểm tra, kiểm soát và có các chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật". - ông Lâm nói.
Trao đổi với Vietnamnet, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, lại cho rằng nếu giáo dục được đưa vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện sẽ rất nguy hiểm, bởi kinh doanh thường gắn với bài toán lợi nhuận, lỗ - lãi.
“Khi chạy theo lợi nhuận có thể xảy ra nhiều hệ lụy, tiêu cực, bởi nguyên tắc của kinh doanh đòi hỏi sự tập trung công sức cao độ. Một khi được phép dạy thêm, giáo viên có thể sẽ chểnh mảng việc dạy học trên lớp, trên trường”, ông Dong nói.
Do đó, ông Dong cho rằng nên có một tổ chức để theo dõi việc dạy thêm, học thêm, kiểm tra chặt chẽ trong từng nhà trường, chẳng hạn như công đoàn trường, để tránh trường hợp rút ngắn chương trình chính khóa, dành kiến thức dạy tại lớp học thêm.
Bên cạnh đó cũng cần xem xét đối tượng tham gia học thêm. GS Phạm Tất Dong chỉ ra 2 đối tượng học sinh cần tham gia học là những em giỏi, xuất sắc, chương trình học trên lớp quá dễ, do đó cần chương trình khác nâng cao hơn để phát triển năng lực của bản thân. Ngoài ra, giáo viên cần dạy cho những em yếu kém, không theo kịp chương trình tối thiểu, cần phải phụ đạo thêm để bắt kịp với chương trình.
Theo ông Dong, nếu không có quy định hoặc chế tài và cứ để “thả nổi” sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, chẳng hạn giáo viên o ép, trù dập học sinh nếu không tham gia lớp học thêm.
Có thể bạn quan tâm
Giáo viên toán trở thành tỷ phú đôla nhờ mở trung tâm dạy thêm
04:08, 23/04/2018
Học thêm - cái nhìn khách quan
03:00, 13/10/2023
Lên án, ngăn chặn tình trạng ép học thêm trực tuyến!
10:43, 11/11/2021
Chuyện học thêm của những đứa trẻ lớp 1
01:51, 13/12/2020