Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL
Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh.
>>>Hộ chiếu Logistics Thế giới công bố 3 tuyến thương mại thí điểm
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 dự kiến được tổ chức vào 2 ngày 1-2/12 với khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Diễn đàn là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kết nối chặt chẽ và đối thoại thẳng thắn ở cả 3 cấp độ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương với các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng các tác động về kinh tế - xã hội sau đại dịch cùng với chiến sự ở Ukraine đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm sút nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng.
Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, VIFTA đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh.
"Bộ Công Thương đang cùng các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Qua đó, tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng", ông Trần Thanh Hải nói.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng nêu rõ, logistics là một ngành dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi mức độ ứng dụng công nghệ lớn. Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
"Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của các ngành, các cấp, lãnh đạo và doanh nghiệp để đạt được mục tiêu”, ông Hải nói.
Do đó, để truyền tải thông điệp này, định hướng và khuyến khích doanh nghiệp logistics đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 lấy chủ đề chính là "Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long". Đây cũng là chủ đề của Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 được công bố tại Diễn đàn.
Được biết, tại phiên toàn thể của diễn đàn vào sáng ngày 2/12, bên cạnh các phát biểu quan trọng cũng sẽ có các tham luận về: Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam - đột phá cho giai đoạn tới; Thúc đẩy phát triển logistics tại Đồng bằng Sông Cửu Long, khơi thông luồng hàng nông sản; Logistics xanh và vận tải đa phương thức - lựa chọn cho Đồng bằng Sông Cửu Long; Một số phương hướng chủ đạo trong chuyển đổi số ngành logistics; Đẩy mạnh liên kết vùng từ quy hoạch đến triển khai; Hoàn thiện đồng bộ kết cấu logistics Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng có các phiên hội thảo chuyên đề vào chiều ngày 2/12 với các nội dung về: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản minh bạch trên nền tảng dịch vụ logistics; Kho thông minh - xu hướng trên thế giới và ảnh hưởng tới Việt Nam; Ứng dụng AI và các công nghệ mới trong quản lý vận tải và kho hàng; Phát triển vận tải đường thủy cho nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long - kết nối với các cảng cửa ngõ quốc gia; Giải pháp quản trị tiết kiệm nhiên liệu và xu hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường của doanh nghiệp logistics.
>>>TP Hồ Chí Minh đứng đầu xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh
>>>Kỹ năng số và việc làm xanh cho nhân lực ngành logistics
Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 vừa qua, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực thi các FTA thế hệ mới. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng trong năm vừa qua ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Nhằm phát triển thị trường, kết nối cung - cầu cho dịch vụ logistics, trong năm vừa qua, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo, tọa đàm giới thiệu, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics.
Trong đó, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 là Diễn đàn được tổ chức lần thứ 11. Qua các lần tổ chức, Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Từ năm 2018, Diễn đàn đều có sự tham gia và chủ trì của một Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, với sự tham gia của Lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Diễn đàn một mặt giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận đúng, có thể tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước về ngành logistics, một mặt cũng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có những đánh giá xác thực để kịp thời ban hành những chính sách đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn ngành logistics của Việt Nam. Thông qua các tổ chức hiệp hội, các doanh nghiệp có ý kiến phản biện, phản hồi về chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng, môi trường kinh doanh, thủ tục hải quan, chính sách thu phí của địa phương. Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ ghi nhận đóng góp và trao tặng Bằng khen cho các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dịch vụ logistics, công bố Báo cáo Logistics Việt Nam. Đồng thời, đại diện Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cũng chứng kiến lễ ký kết các Bản ghi nhớ, hợp đồng trong lĩnh vực logistics giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo.
Có thể bạn quan tâm
Hộ chiếu Logistics Thế giới công bố 3 tuyến thương mại thí điểm
11:30, 23/11/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 22/11: Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI)
04:22, 22/11/2023
Kỹ năng số và việc làm xanh cho nhân lực ngành logistics
01:30, 19/11/2023
TP Hồ Chí Minh đứng đầu xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh
17:05, 17/11/2023
VLA - 30 năm hành trình kết nối chuyên nghiệp ngành logistics
15:55, 17/11/2023
VLA nâng tầm vị thế doanh nghiệp logistics
15:00, 17/11/2023