Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh: “Kiến tạo” chính sách
Vai trò “kiến tạo” của Nhà nước trong hoạch định chính sách, quy hoạch hạ tầng logistics cho sự phát triển logistics của địa phương.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) năm 2022 nhấn mạnh khi chia sẻ với DĐDN.
>>Doanh nghiệp “bắt tay” thúc đẩy logistics cho nông sản
LTS: Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) là động lực để các địa phương cải thiện những trụ cột còn yếu, góp phần vào cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam.
LCI không chỉ là “kim chỉ nam” thực tiễn giúp các địa phương có định hướng cải thiện các trụ cột nâng cao năng lực logistics của mình, mà còn là động lực để cải thiện các trụ cột còn yếu, giúp tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Theo bà đâu là điểm chung của top 5 bảng xếp hạng LCI 2022?
Kết quả tổng hợp LCI từ kết quả khảo sát và đánh giá của chuyên gia cho thấy có 5 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, lần lượt là TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Bình Dương, hai địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội cùng vị trí thứ tư.
Nhóm nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương theo 5 trụ cột chính gồm Kinh tế; Dịch vụ logistics; Khung pháp lý và chính sách; Cơ sở hạ tầng và Nguồn nhân lực. Điểm chung của 5 địa phương này đều có sự phát triển tốt về hạ tầng, trung tâm logistics, kết nối GTVT thuận lợi và phát triển kinh tế tốt do đó có được nguồn hàng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ phù hợp nhu cầu thị trường.
Điểm thứ hai, có chính sách và sự thực hiện tốt chính sách về phát triển logistics. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh đã có “Đề án Phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đang trong giai đoạn thực hiện. Tương tự, Bình Dương cũng đang xây dựng “Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
- Kết quả này gợi mở gì cho các địa phương, thưa bà?
Với 5 điểm trụ cột trong xếp hạng LCI thì mỗi địa phương lại có mỗi điểm trụ cột có kết quả tốt khác nhau. Chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh có 3 trụ cột đứng đầu là cơ sở hạ tầng, kinh tế và nguồn nhân lực, hai trụ cột còn thấp điểm gồm khung pháp lý và chính sách (55,1 điểm) và trụ cột dịch vụ logistics (61,7 điểm). Trong khi đó, Bắc Ninh ghi nhận trụ cột về dịch vụ logistics (77,7 điểm) cao nhất bảng xếp hạng nhưng lại không thể lọt vào top 5. Điều này cho thấy các địa phương cần có điểm số cao đều ở các trụ cột để có điểm tổng hợp tốt nhất, phản ánh đầy đủ toàn bộ bức tranh năng lực logistics của địa phương.
Điều này gợi ý cho các địa phương ở top 5 hay các địa phương ở vị trí chưa cao có thể cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh logistics của mình theo các trụ cột chính. Kể cả những địa phương đang ở “ngôi vương” như TP Hồ Chí Minh cũng còn rất nhiều việc phải làm bởi điểm số tổng hợp mới chỉ đạt 74,3 điểm.
Với các địa phương chưa có điểm số tốt cần chú trọng xây dựng chính sách vì đây là trụ cột chiếm mức độ quan trọng cao nhất trong 5 trụ cột đánh giá LCI.
Thứ hai, các địa phương cần quan tâm tới nguồn nhân lực. Nếu chúng ta có hạ tầng tốt, có sự kết nối GTVT tốt nhưng không đủ nguồn lực mềm– nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào hoạt động quản lý, vận hành logistics thì cũng không hiệu quả.
>>Chuyển đổi số trong ngành logistics ở Tây Nguyên
- Vậy từ LCI, bà có đề xuất như thế nào để cải thiện logistics không chỉ của các địa phương mà còn của ngành logistics cả nước?
Từ LCI vừa được công bố, các địa phương còn lại sẽ thấy được rằng nếu muốn thu hút đầu tư phải nâng cao năng lực logistics bên cạnh các yếu tố thuận lợi về chính sách, quỹ đất, thuế… Vì hạ tầng, chất lượng logistics đóng góp lâu dài vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, khi nhìn vào bảng xếp hạng LCI sẽ có những chính sách phù hợp, phân tích các trụ cột chưa tốt theo từng khu vực sau đó có chính sách thúc đẩy trụ cột đó cải thiện một cách phù hợp. Trong đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước tới trụ cột cơ sở hạ tầng. Bởi để cải thiện hạ tầng, thì doanh nghiệp, địa phương thôi là không đủ, cần có vai trò vĩ mô của Chính phủ. Đơn cử như hạ tầng kết nối GTVT cần sự vào cuộc của Chính phủ. Hạ tầng trung tâm logistics cũng vậy. Chúng ta đã có các quy hoạch các trung tâm logistics vậy phải kết nối các trung tâm logistics toàn quốc, tránh việc có rất nhiều nhưng không khai thác được hiệu quả, không chia sẻ và tối ưu được nguồn lực các trung tâm này. Vì vậy, cần có chính sách từ cấp quốc gia, phân bổ các trung tâm, với quy mô, loại hình phù hợp vùng, địa phương, nguồn hàng khu vực đó. Bằng cách như vậy, sẽ nâng tầm được chuỗi cung ứng, góp phần vào cải thiện LPI của Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
ITL tiên phong đưa logistics Việt Nam hội nhập
13:52, 20/11/2023
Kỹ năng số và việc làm xanh cho nhân lực ngành logistics
01:30, 19/11/2023
TP Hồ Chí Minh đứng đầu xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh
17:05, 17/11/2023
VLA - 30 năm hành trình kết nối chuyên nghiệp ngành logistics
15:55, 17/11/2023
VLA nâng tầm vị thế doanh nghiệp logistics
15:00, 17/11/2023
“Bắt tay” tạo hệ sinh thái logistics cho nông sản Việt
15:00, 17/11/2023
Phát triển logistics xanh thúc đẩy xuất khẩu nông sản và dược phẩm Việt Nam vào Úc
10:16, 17/11/2023