“Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 2): Ba ưu tiên hành động chính sách

TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG – Học viện CTQG Hồ Chí Minh 03/08/2021 05:40

Những diễn biến mới của đại dịch covid-19 đã đặt ra những ưu tiên mới trong phòng chống dịch hiệu quả.

Tinh thần chung trong Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, hay những chỉ đạo mới đây của thủ tướng đều xác định ứng phó với đại dịch Covid-19 là thách thức rất lớn, đặt ra nhu cầu về cấu trúc chính sách “kiềng ba chân” để có thể trường kỳ phòng, chống dịch bệnh.

TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG – Học viện CTQG Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG – Học viện CTQG Hồ Chí Minh 

Sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết

Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra cuộc sống bấp bênh của một bộ phận người lao động từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc nhập cư vào các tỉnh phía Nam.

Từ giữa tháng 7, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trường hợp bốn mẹ con và ba mươi người đi bộ về quê đã báo hiệu về khả năng các nhóm lao động yếu thế sẽ buộc phải hồi hương. Hiện tượng này đã trở thành thực tế trong những ngày cuối tháng 7 khi hàng ngàn người lao động sử dụng các phương tiện xe thô sơ để hồi hương. Dư luận xã hội không khỏi sửng sốt và xót thương những hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, phải chở nhau trên chiếc xe máy để vượt qua hành trình đến hàng ngàn km.

Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra “Lời kêu gọi” đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để vượt qua đại dịch. Lời kêu gọi của Tổng bí thư đã chỉ ra những thách thức vô cùng lớn, coi “chống dịch như chống giặc”, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải nỗ lực vượt bậc để có thể vượt qua.

Nổi bật trong "Lời kêu gọi" của Tổng bí thư là quan điểm “sức khỏe và tính mạng nhân dân là trên hết”. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam nhất quán với phương châm phòng chống đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay: “không đánh đổi sự an toàn sức khỏe cộng đồng để có tăng trưởng kinh tế”.

Phương châm này không chỉ khẳng định mục tiêu cuối cùng của công tác phòng chống đại dịch ở Việt Nam, mà còn đặt ra nhu cầu linh hoạt mục tiêu kép khi chúng ta sẽ phải đối diện trong thời gian dài với tình hình mới, phức tạp và khó lường hơn về dịch bệnh.

Ngày 28/7, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết khẳng định quyết tâm phòng chống đại dịch trong bối cảnh mới. Nghị quyết của Quốc hội đã trao thêm cho chính phủ nguồn lực tài chính cùng những cơ chế hoạt động trong bối cảnh đặc biệt để “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh”, bảo đảm an ninh và ổn định xã hội.

Ngày 31/7, Công điện của thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phía Nam có thể kéo dài thời gian và thực hiện nghiêm túc hơn nữa “giãn cách xã hội” theo chỉ thị 16. Có thể nói, Việt Nam đã nâng quyết tâm và nỗ lực phòng chống dịch bệnh lên mức độ cao hơn, trước mắt sẽ kéo dài đến hết năm 2022.

Dịch COVID-19 bùng phát 19 tỉnh, thành phía Nam trong đó tâm điểm là TP Hồ Chí Minh đã khiến hàng triệu người tha phương, bám trụ bao năm nay bây giờ phải tất bật trở về cố hương.

Dịch COVID-19 bùng phát 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó tâm điểm là TP Hồ Chí Minh đã khiến hàng triệu người tha phương, bám trụ bao năm nay bây giờ phải tất bật trở về cố hương.

Ba mục tiêu ưu tiên hành động

Bối cảnh dịch bệnh hiện nay đặt ra nhu cầu bổ sung thành tố “bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội” cho các nhóm yếu thế để hình thành cấu trúc chính sách “kiềng ba chân: phòng chống dịch bệnh – phát triển kinh tế - duy trì trật tự và ổn định xã hội”, đáp ứng nhiệm vụ trường kỳ chống dịch. Ba ưu tiên hành động chính sách gồm:

1. Kiểm soát lây lan, tiến tới đẩy lui dịch bệnh trên phạm vi từng địa phương. Những gì đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương cho thấy đây nên là ưu tiên số 1, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp chống dịch phổ biến như: khoanh vùng, truy vết, cách ly, giãn cách xã hội, trong khi tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

2. Duy trì hoạt động kinh tế thiết yếu tại những địa bàn dịch bệnh còn phức tạp. Chừng nào dịch bệnh chưa được kiểm soát thì chừng đó việc máy móc thực hiện mục tiêu kép luôn tiềm ẩn những rủi ro cho các địa phương. Bởi thế, bảo đảm những hoạt động kinh tế thiết yếu đòi hỏi sự linh hoạt và nhạy bén của lãnh đạo địa phương trong việc duy trì hoạt động kinh tế theo phạm vi và cấp độ khác nhau (địa bàn, ngành/lĩnh vực).

3. Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế tại những nơi chịu ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội. Dòng người lao động tự phát trở về quê trong những ngày gần đây cho thấy sự hỗ trợ kịp thời cho các nhóm yếu thế trở thành một điều kiện hàng đầu cho sự thành công của các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Với ba ưu tiên hành động trên đây, chính quyền cần xác định vai trò tổng chỉ huy, điều phối và hỗ trợ sự tham gia của các chủ thể đa dạng, như: doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, và cá nhân. Bên cạnh các nguồn lực công, chính quyền các cấp cần chủ động hơn nữa trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đa dạng tham gia để có thể tận dụng năng lực và huy động các nguồn lực từ phía họ.

Sự bổ sung yếu tố bảo đảm “phúc lợi và an sinh xã hội” trong phương châm phòng chống dịch bệnh sẽ giúp chính quyền và các chủ thể ngoài nhà nước ý thức hơn về nhu cầu hỗ trợ các nhóm yếu thế, hạn chế những dòng di chuyển tự phát dễ khiến tình hình phức tạp hơn, thậm chí rối loạn. Đó cũng là sự bổ sung cần thiết để hướng tới bộ ba mục tiêu: phòng chống dịch bệnh – phát triển kinh tế - duy trì trật tự và ổn định xã hội. Qua đó, nhà nước và mọi chủ thể, cùng mọi tầng lớp nhân dân có thể đồng hành trong một nỗ lực tập thể, được dự báo sẽ còn kéo dài.

Có thể bạn quan tâm

  • “Kiềng ba chân” trường kỳ phòng, chống dịch bệnh (Bài 1): Vốn xã hội trong chống dịch

    06:00, 02/08/2021

  • Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    05:38, 30/07/2021

  • Nguồn nhân lực thời kỳ hậu COVID-19 sẽ như thế nào?

    05:30, 01/08/2021

  • Cố hương, nhọc nhằn vạn dặm đi về...

    19:20, 31/07/2021

  • Trắc trở những chặng đường hồi hương

    05:15, 02/08/2021

TS. NGUYỄN VĂN ĐÁNG – Học viện CTQG Hồ Chí Minh