Tiêm vaccine Sinopharm ở TP.HCM, chuyên gia góp ý ra sao?

MINH CHÂU 03/08/2021 15:00

Trong bối cảnh dịch đang bùng phát, hệ thống y tế có nguy cơ quá tải nhưng nguồn vaccine lại khan hiếm, TP.HCM cần có chiến thuật hợp lý với lượng vaccine Sinopharm hiện có.

Sáng 3/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh. Theo đó, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: 1 triệu liều vaccine Sinopharm được nhà tài trợ ủng hộ thành phố, đang được thẩm định nên TP.HCM chưa triển khai tiêm vaccine Sinopharm đợt này, khi nào được Bộ Y tế thẩm định, đủ điều kiện thì thành phố tổ chức tiêm vaccine theo nguyện vọng như đợt 5 vừa qua.

Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn cho sử dụng vaccine của Sinopharm vào tháng 5/2021 và CoronaVac vào tháng 6/2021. Tính đến cuối tháng 6/2021, Trung Quốc đã tiêm chủng hơn 1 tỉ liều của 2 vaccine trên trong nước, và đồng thời cung cấp hàng trăm triệu liều cho hơn 80 quốc gia trên thế giới. Giới quan sát quốc tế nghĩ rằng Trung Quốc đang dùng vaccine như là một phương tiện ngoại giao: "Ngoại giao vaccine" để gây ảnh hưởng.

Xoay quanh nhiều lo lắng của người dân về chất lượng của vaccine Sinopharm và Sinovac, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, Đại học New South Wales, và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia đã có bài phân tích, giải đáp cũng như đóng góp cho quá trình tiêm chủng của TP HCM như sau:

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, Đại học New South Wales, và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, Đại học New South Wales, và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia.

"Đây là vấn đề rất khó đánh giá bởi vì thiếu dữ liệu. Trong các báo cáo được công bố với quốc tế, không có báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của cả hai vaccine. Tất cả dữ liệu chỉ là báo cáo cho WHO, nhưng chưa qua bình duyệt bởi một hội đồng khoa học.

Theo một báo cáo đánh giá của nhóm SAGE (thuộc Tổ chức Y tế Thế giới), đánh giá sau khi tiêm 1,1 triệu liều Sinopharm cho người 60 tuổi trở lên, có 45 ca biến chứng được xem là có liên quan đến vaccine. Những biến chứng phổ biến là chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, nôn, sốt, dị ứng trên da. Nhìn chung, các thống kê mà tôi tiếp cận được cho thấy con số biến chứng sau khi tiêm vaccine của Trung Quốc rất thấp so với số ca biến chứng liên quan đến các vaccine phương Tây. Chính vì thế mà có dấu hỏi về chất lượng dữ liệu liên quan đến vaccine Trung Quốc nói chung.

Cả hai vaccine do Trung Quốc sản xuất đã được sử dụng nhiều nơi trên thế giới (hơn 90 quốc gia), chủ yếu là ở những nước có quan hệ ngoại giao và kinh tế với họ. Nhưng ngay tại những nước này, kinh nghiệm của họ về vaccine có lẽ không được khả quan. 

Một số quốc gia như: Mông Cổ, Bahrain, Chile, và quốc đảo Seychelles có khoảng 50-70% dân số ở các nước này đã được tiêm chủng 2 liều Sinovac hoặc Sinopharm. Hiện nay, 4 nước này đang đứng đầu danh sách quốc gia với số ca nhiễm nhiều nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là nước dùng lệ thuộc vào vaccine Trung Quốc và cũng đang trải qua một đợt bùng phát mới. Hiện nay, số ca nhiễm mỗi ngày ở Thái Lan là 17,000 người. Cũng như Nam Dương, hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế Thái Lan bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine Trung Quốc. Thái Lan thay đổi qui định tiêm vaccine bằng cách cho phép trộn 2 liều vaccine khác nhau: một với AstraZeneca và một với Sinovac.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh TP.HCM đang bùng phát dịch, nguồn vaccine đang khan hiếm và hệ thống y tế đứng trước nguy cơ quá tải thì Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, vaccine Sinopharm cũng là một lựa chọn nếu chúng ta có tính toán chiến thuật, có kế hoạch lâu dài. 

hiệu quả của vaccine Sinopharm vẫn còn chưa được đánh giá cao thì tuyệt đối không để người dân chủ quan rằng đã tiêm vaccine tức là đã an toàn.

Hiệu quả của vaccine Sinopharm vẫn còn chưa được đánh giá cao thì tuyệt đối không để người dân chủ quan rằng đã tiêm vaccine tức là đã an toàn.

Thứ nhất, khi hiệu quả của vaccine Sinopharm vẫn còn chưa được đánh giá cao thì tuyệt đối không để người dân chủ quan rằng đã tiêm vaccine tức là đã an toàn. Không nên vội vàng lấy việc tiêm vaccine Sinopharm, nhất là khi mới tiêm một mũi, là tiêu chí chủ chốt để ban hành các chính sách như nới lỏng giãn cách. Vaccine ở đây chỉ đóng vai trò hỗ trợ người dân gia tăng sức chống trả với virus SARS-CoV-2 nếu không may họ nhiễm. Người được tiêm cần tiếp tục áp dụng tốt các giải pháp 5K, sát khuẩn và hạn chế đi lại vùng nguy cơ lây nhiễm.

Thứ hai, TP.HCM nên xem Sinopharm là một liều vaccine nền để tiến hành chiến dịch “tiêm trộn”. Nói cách khác, mũi 1 tiêm vaccine Sinopharm và ở mũi 2 thì nên cố gắng mua các loại vaccine khác như AstraZeneca, Moderna, Pfizer để tiêm cho người dân. Trên thế giới đã có một số nước làm điều này. Cách tiêm “bọc lót” này sẽ giúp cho người dân được bảo vệ tốt hơn. Đây cũng là cách mà Thái Lan đã và đang làm.

Tuy nhiên, cần phải chọn người để tối ưu hóa hiệu quả của vaccine. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng thì vaccine có hiệu quả khiêm tốn (51%) ở những người cao tuổi (trên 60) nhưng có vẻ có hiệu quả tương đối khá ở người khỏe mạnh.

Như vậy, điều đó cần Việt Nam nghĩ đến vấn đề thứ ba: Tìm mọi cách để mua được các loại vaccine khác đã được chứng minh là tốt hơn Sinopharm để về “tiêm trộn” kịp thời, an toàn, hiệu quả. Ngoài các loại vaccine đã nêu, tôi cũng đề nghị Việt Nam nên thương lượng với Novavax (Mỹ) để làm dồi dào nguồn vaccine. Theo số liệu công bố trên tập san y khoa New England Journal of Medicine, vaccine loại protein của Novavax có hiệu quả 90% chống COVID-19. Đây là nguồn vaccine mới rất có ích cho Việt Nam để đạt miễn dịch cộng đồng mà ngay cả Úc cũng đã thương lượng để mua.

Cuối cùng,Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng (như thử nghiệm ai, ở đâu, bao lâu, chỉ tiêu lâm sàng là gì, phân tích ra sao, ai là người giám sát phân tích dữ liệu…) là rất quan trọng với bất kỳ loại vaccine nào. Ngoài việc đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về Sinopharm, Việt Nam cũng cần thu thập và đánh giá từ chính đợt tiêm này tại TP.HCM. Đó sẽ là các thông số quan trọng góp phần thúc đẩy tiến bộ trong y khoa, nâng cao hiệu quả vaccine và tăng cường đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân trước đại dịch".

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân

    11:27, 03/08/2021

  • HOT: Bộ Y tế xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax

    16:58, 02/08/2021

  • Tranh cãi về chất lượng vaccine Trung Quốc, sự thật ra sao?

    13:36, 02/08/2021

  • Nếu tiêm chậm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine COVID-19 cho các tỉnh, thành khác

    12:31, 02/08/2021

  • Phân bổ vaccine và cơ chế “xin-cho” vẫn chưa thể ngăn hết

    16:02, 01/08/2021

  • Tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 3: Liệu có cần thiết?

    15:21, 01/08/2021

MINH CHÂU