TP.HCM: F0 tăng giảm thế nào qua 10 ngày cấm người dân ra đường sau 18h?

MINH CHÂU 05/08/2021 14:37

Với 3.300 số ca bệnh được Bộ Y tế công bố vào ngày 4.8, đây là lần đầu tiên sau 14 ngày (kể từ ngày 21.7) TP.HCM ghi nhận dưới 4.000 ca bệnh một ngày.

Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp, mỗi ngày số ca bệnh ở TP.HCM cứ tăng liên tục, đến tối qua, khi Bộ Y tế công bố số ca bệnh tại TP.HCM ngày 4.8 là 3.300 ca (giảm 871 ca so với ngày 3.8 TP.HCM ghi nhận 4.171 ca) và đây là lần đầu tiên sau 14 ngày TP.HCM ghi nhận dưới 4.000 ca bệnh một ngày (lần gần nhất là ngày 21.7 với 3.556 ca mắc Covid-19 trong nước), nhiều bạn trẻ đã bày tỏ niềm vui mừng khi thấy được nhiều tín hiệu khả quan hơn so với những chuỗi ngày dài số ca cứ tăng liên tục.

F0 bắt đầu giảm

Sau khi áp dụng quy định trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định tình hình dịch bệnh và số ca F0 tại TP.HCM đi ngang những ngày đầu và đang giảm dần dù vẫn ở mức 4 con số.

Theo ông Đức, điều này cho thấy việc áp dụng các biện pháp quyết liệt của TP.HCM trong thời gian qua đã đem lại kết quả khả quan. 

Việc tổ chức điều trị theo 3 tầng 5 lớp đã phát huy hiệu quả. Thời gian qua, TP đã thực hiện các biện pháp mạnh như hạn chế người dân không ra đường sau 18h hằng ngày. Việc này đã được người dân chấp thuận và ủng hộ, hợp tác.

đây là lần đầu tiên sau 14 ngày TP.HCM ghi nhận dưới 4.000 ca bệnh một ngày

Đây là lần đầu tiên sau 14 ngày TP.HCM ghi nhận dưới 4.000 ca bệnh một ngày.

Về lo ngại lây nhiễm trong khu phong tỏa, ông Đức nhận định sau khi thành phố siết chặt lại các biện pháp, số ca dương tính mới được phát hiện thuộc khu vực này có dấu hiệu giảm.

Hiện nay thay vì khoanh vùng rộng, TP đã chuyển hướng phong tỏa, khoanh vùng hẹp hơn để đảm bảo việc kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh nhưng không bỏ sót F1, F0. Các địa phương cũng đã có các phong trào giữ "xanh" địa bàn và mở rộng "vùng xanh". 

Cũng theo ông Đức, thay đổi mang tính chất chiến lược của thành phố là không phong tỏa khu vực lớn mà siết chặt, khoanh vùng khu vực nhỏ theo nguyên tắc "chặt trong lẫn ngoài". Tất cả làm cho số ca mắc mới mỗi ngày trong khu phong tỏa, cách ly có dấu hiệu giảm xuống, đây là tín hiệu đáng mừng để TP.HCM tiến tới kiểm soát dịch bệnh.

"Hiện nay, số ca F0 trên biểu đồ dịch COVID-19 đang đi ngang, đúng như dự đoán của lãnh đạo thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều biện pháp mạnh để thực hiện thật nghiêm những quy định về giãn cách xã hội. Nếu lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra cùng với sự ủng hộ, chấp hành của người dân thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định", ông Đức nhấn mạnh.

Ông Dương Anh Đức mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của người dân, thực hiện nghiêm các quy định, cùng TP chung sức vượt qua khó khăn.

Cần hạn chế bệnh nhân COVID-19 tử vong

Trao đổi tại cuộc họp báo về phòng chống COVID-19, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc hạn chế bệnh nhân COVID-19 tử vong là một vấn đề của TP hiện nay.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Theo ông Mãi, khi chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, TP đã rất khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để tiến hành chăm lo, điều trị cho các bệnh nhân ở 5 tầng điều trị.

TP cũng đã tăng cường rất nhiều về cơ sở vật chất, ví dụ các bệnh viện cấp quận, huyện tiến hành tách đôi, thậm chí có những quận đã tăng năng lực tiếp nhận về điều trị, cấp cứu đến 100%.

Tuy nhiên, theo ông Mãi, việc mở rộng năng lực điều trị đặt ra yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị. Thời gian vừa qua, TP mặc dù được sự tăng cường về nhân lực, trang thiết bị, sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế và các địa phương nhưng cho đến giờ này vẫn đang quá tải và đang thiếu.

"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nhân lực để làm sao mỗi ngày có năng lực mới tiếp nhận, điều trị cũng như điều chỉnh các điểm bất hợp lý để hạn chế tối đa việc người có nhu cầu chưa được nhận, cũng như nhận trễ dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc tử vong", ông Mãi nói.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP cũng chia sẻ, cho đến giờ này, ở những thời điểm nhất định, ở những địa bàn, bệnh viện cụ thể vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng được kịp thời.

Về câu hỏi số ca tử vong tập trung nhiều ở tầng điều trị nào, ông Mãi cho biết đến nay TP đang theo dõi số liệu và phân tích, hiện "chưa có thống kê đầy đủ để đưa ra nhận định cuối cùng".

Tuy nhiên, theo quan sát khâu tiếp nhận và xử trí ở tầng điều trị thứ 3 đang gặp khó khăn, do hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ. TP sẽ tập trung khắc phục.

"Ngày hôm qua khi báo cáo phó thủ tướng (trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia), tôi cũng đề nghị tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế nên quan tâm hỗ trợ khâu này, để làm sao kết nối liên thông giữa tầng 3, tầng 4 và tầng 5 để kịp thời có những chỉ định, biện pháp điều trị giảm chuyển nặng cũng như giảm tử vong", ông Mãi giải thích thêm.

Ông Mãi cũng nói: "TP xác định khi chúng ta chuyển sang chiến lược điều trị, hạn chế tử vong thì việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa mà đếm số ca tiếp nhận điều trị, trong số đó bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và đặc biệt số ca tử vong để có những biện pháp trong điều trị, biện pháp mạnh hơn ngăn chặn chuyển nặng và đặc biệt hạn chế các ca tử vong. TP đang tăng cường nguồn lực và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm".

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Phải tiêm hết vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8

    14:19, 05/08/2021

  • Xã hội hóa vaccine: Doanh nghiệp đồng lòng với Chính phủ

    11:00, 05/08/2021

  • Hải Phòng: Bao giờ doanh nghiệp vận tải mới được tiêm vaccine?

    16:57, 04/08/2021

  • Cần ưu tiên vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng thiết yếu

    13:00, 04/08/2021

  • Doanh nghiệp chủ động tiếp cận vaccine: “Tiếp lửa” cho yêu cầu 150 triệu liều vaccine

    19:46, 03/08/2021

  • Doanh nghiệp chủ động tiếp cận vaccine: Huy động tổng lực nguồn vaccine

    19:43, 03/08/2021

MINH CHÂU