TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch trước 15/9
Trong 5 nhóm giải pháp trọng tâm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc TP sẽ phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
Sáng 11/8, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về triển khai nghị quyết kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu 5 nhóm giải pháp trọng tâm để giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trước đó.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế TP.HCM sẽ rất khó khăn và phụ thuộc vào các yếu tố như: Khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh, tiến độ triển khai và mức độ phủ vaccine đối với người dân, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Vì vậy, kịch bản tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn.
Trong 5 nhóm giải pháp, ông Phong nhấn mạnh việc TP sẽ tập trung, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
5 nhóm giải pháp gồm:
Thứ nhất là tập trung, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong".
Triển khai giải pháp, lộ trình cụ thể để “xanh hóa” các khu vực nguy cơ cao, rất cao. Thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa. Không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân theo kế hoạch. Đặc biệt, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Thứ hai là rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tập trung giải quyết các điểm nghẽn kìm hãm phát triển của TP, nhất là hạ tầng đô thị. Sớm hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040.
Quy hoạch không gian ngầm đô thị, xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng TP nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra; Kết nối liên vùng, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường.
Thứ ba là đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lân thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Chuyển đổi số vào hoạt động.
Triển khai giai đoạn 2 Đề án xây dựng đô thị thông minh. Triển khai quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP - TP Thủ Đức. Phát triển toàn diện kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, để đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của TP.
Thứ tư là đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Thứ năm là quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát triển giáo dục thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển mạnh mẽ y tế thông minh, đầu tư phát triển TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của phía Nam và khu vực Đông Nam Á. Thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Theo đó, Bộ trưởng Y tế cho biết, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP.HCM và các địa phương khu vực phía Nam. Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tại các địa phương khác nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để.
Tình hình dịch tại TP.HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực; số mắc có xu hướng “đi ngang” sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và áp dụng phong tỏa trên toàn địa bàn.
"Dịch bệnh sẽ thực sự có xu hướng giảm trong một vài tuần tới nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay. Các địa phương lân cận có mô hình dịch bệnh tương tự TP.HCM ở giai đoạn đầu, đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao; nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp, mặt khác tác động ngược trở lại TP.HCM gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch bước đầu đạt được", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Bàn giao hai trung tâm hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 tại TP HCM
22:33, 07/08/2021
Tối 5/8, lô thuốc Remdesivir đặc trị COVID-19 đầu tiên đã về đến TP HCM
20:04, 05/08/2021
TP HCM: Phải tiêm hết vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8
14:19, 05/08/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
16:16, 10/08/2021
TP.HCM: Hỗ trợ phí mai táng bệnh nhân COVID-19 tử vong
15:00, 10/08/2021