Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế chưa mua test kháng nguyên nhanh

MINH CHÂU 29/09/2021 09:27

Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch.

Tối 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn có trả lời chính thức về một số nội dung liên quan đến vấn đề giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên rất khác nhau được phản ánh gần đây.

Thứ trưởng thông tin, đến nay, Bộ Y tế chưa mua sắm test kháng nguyên nhanh. Thay vào đó, các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm, đấu thầu theo quy định, trên phương châm “4 tại chỗ”.

“Tuy nhiên, theo tôi được biết, các đơn vị chủ yếu sử dụng test tài trợ như TP.HCM vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ”, Thứ trưởng nói.

Theo ông, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm với hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Tính đến nay, Bộ đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Về việc tính giá xét nghiệm, đối với các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi. Cụ thể, giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm, được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở quy định của Luật đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho các doanh nghiệp.

Để quản lý giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm), trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá nhằm công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu.

Đồng thời, tổng hợp ý kiến, đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi hiện nay, mặt hàng này chưa được quy định trong luật.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hàng tuần cập nhật giá lên Cổng công khai giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo cạnh tranh giá.

Các đơn vị, địa phương cũng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm; kiểm tra, thanh tra cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, qua tìm hiểu, có những đơn vị bán bộ kit test nhanh Covid-19 chỉ khoảng 1,5 USD.

Theo ông, nếu Chính phủ cử bộ phận liên hệ trực tiếp với các đơn vị ở nước ngoài, với số lượng mua lên đến 100 triệu test, giá bán sẽ chỉ còn khoảng 1 USD (dưới 25.000 đồng/test). Tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác), mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.

Trong khi đó, các địa phương đang đấu thầu khoảng 60.000 - 70.000 đồng/test dẫn đến rất lãng phí tiền của. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn, có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Y tế trả lời về việc xác định 150.000 F0 qua test nhanh ở TP HCM

    14:01, 28/09/2021

  • Shipper tại TP HCM phải tự test nhanh dịch vụ?

    09:00, 23/09/2021

  • Phải phát ngay túi thuốc cho F0 khi test nhanh ra dương tính

    16:22, 31/08/2021

  • Sử dụng VssID để “né” COVID-19

    17:54, 28/09/2021

MINH CHÂU