TP HCM: Giải toả các chốt nội đô, không sử dụng giấy đi đường kể từ 1/10
TP HCM sẽ giải toả tất cả các chốt trạm nội đô, không sử dụng giấy đi đường nữa, để tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện lưu thông và từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới kề từ 1/10.
Đó là phát biểu của các đại diện cơ quan chức năng tại buổi họp báo sáng 30/9/2021, liên quan tới việc áp dụng Chỉ thị mới về nới lỏng giãn cách tại TP HCM từ ngày 1/10/2021.
Giải toả giấy đi đường và chốt nội đô
Phát biểu tại buổi họp báo sáng 30/9, ông Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TP HCM, cho biết: Kể từ 1/10/2021, TP HCM sẽ giải toả tất cả các chốt trạm nội đô, không sử dụng giấy đi đường nữa, để tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện lưu thông. Tuy nhiên, Công an TP HCM vẫn duy trì 12 chốt ở các cửa ngõ và 39 chốt phụ cấp quận, huyện, còn lại tất cả các chốt nội đô sẽ giải tỏa.
Theo ông Quang, việc kiểm soát vẫn tập trung, từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tạo ý thức tham gia giao thông an toàn. Công an TP HCM sẽ kiểm soát đột xuất, ngẫu nhiên trên đường.
“Chúng tôi đã có phương án thành lập tổ kiểm soát việc khai báo ứng dụng VNEID, lịch sử tiêm vắc xin. Còn sau này, khi có app chung thì sẽ thực hiện theo ứng dụng chung. “Nếu người dân ra đường không có app thì có thể dùng giấy chứng nhận đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi, tiêm đủ ngày, F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày”. "Công an TP sẽ thành lập 1 chốt lưu động để kiểm tra và nếu cần thiết sẽ test nhanh y tế"- ông Quang nói,
Cũng theo ông Quang, chỉ thị mới đã nói rõ người dân không được tự ý ra hay vào TP HCM. Do đó, ngành công an kêu gọi ý thức người dân. Công an TP sẽ xử lý nghiêm việc thông chốt, người dân nên chia sẻ... Từ ngày 1/10, sẽ không còn các chốt nội thành, nhưng công an vẫn duy trì các chốt lưu động, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, ông Quang cũng đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra người ra, vào bằng mã QR và kiểm tra việc thực hiện này – ông Quang nhấn mạnh.
Chỉ thị “chưa có tiền lệ”
Liên quan đến loại hình kinh doanh, thương mại được phép hoạt động và không được phép hoạt động, đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tự phát, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết về việc mở lại các chợ truyền thống, sở sẽ làm việc với tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức để xây dựng các phương án mở lại một cách an toàn.
Hiện sẽ có một số địa phương như H.Cần Giờ, H.Củ Chi, Q.Bình Thạnh đã mở lại một số chợ dựa vào Bộ tiêu chí an toàn. Do đó, sau 30/9, các quận, huyện và TP.Thủ Đức nếu mở lại chợ truyền thống sẽ phải có phương án và làm việc với sở Công thương.
“Riêng chợ tự phát là nghiêm cấm mở và sẽ xử lý theo quy định nếu có vi phạm. Chợ đầu mối sẽ là nơi trung chuyển, tập kết hàng hóa”- bà Ngọc nói.
Liên quan đến việc TP HCM linh hoạt đóng hoặc nới lỏng giãn cách, ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết: dịch bệnh vẫn đang phức tạp nên lãnh đạo TP HCM rất trăn trở, cân não để chọn chiến lược đúng đắn nhất, tối ưu nhất kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân; đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của người dân sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội; phù hợp với tinh thần của cả nước, phù hợp với mong muốn, tâm lý của các tỉnh, thành lận cận TP HCM.
Vì vậy, ông Bình rất mong người dân TP HCM đồng lòng, đồng hành với chính quyền để kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
“Quan điểm là an toàn mới mở cửa, an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Với sản xuất thì cũng an toàn mới sản xuất, và sản xuất phải an toàn”.
Cũng theo ông Bình, việc mở cửa của TP cũng đáp ứng sát sao phù hợp đặc thù của TP. “Linh hoạt hết mức có thể. Linh hoạt từng không gian, đặc thù của từng khu vực và linh hoạt về thời gian. Mở cửa có lộ trình, và có độ co giãn, tức đóng ngay lập tức nếu có yếu tố dịch tễ nguy cơ, và nới lỏng nếu có yếu tố dịch tễ tốt hơn”.
Nhận định về Chỉ thị mới của TP HCM, ông Lê Hải Bình, cho rằng: Việc TP.HCM ban hành Chỉ thị mới và đưa ra phụ lục kèm theo áp dụng là chưa có tiền lệ. Do đó, “TP HCM có một cái tết rực rỡ mai vàng hay không, mỗi gia đình có đủ đầy hay không là phụ thuộc ngay từ hôm nay. Một người lơ là, một cộng đồng lơ là, một tập thể lơ là thì không tránh khỏi và không loại trừ khả năng TP phải “đóng cửa” trở lại” – ông Bình nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM sẽ áp dụng chỉ thị mới về nới lỏng giãn cách theo tiêu chí “nới trong, chặt ngoài”
09:30, 30/09/2021
Hà Nội sẽ dừng triển khai 3 vùng, phong tỏa hẹp nhất để nới lỏng giãn cách
04:12, 17/09/2021
Chuyên gia nói gì về lộ trình nới lỏng giãn cách tại Hà Nội?
12:41, 13/09/2021
Hà Nội: Xem xét nới lỏng giãn cách, chuẩn bị để học sinh đi học trở lại
18:47, 22/02/2021
Nới lỏng giãn cách xã hội: “Lực đẩy” phát triển kinh tế!
06:00, 23/04/2020