Tiền Giang tiêm vaccine cho 100% người lao động
Tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 11/10/2021, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định:
Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho toàn bộ người lao động của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh, đạt 100% mũi 1 trong tuần này.
Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, tính đến cuối tháng 9/2021, toàn tỉnh có 6.579 doanh nghiệp, 4.338 đơn vị trực thuộc (gồm 1.111 chi nhánh, 3.040 địa điểm kinh doanh, 187 văn phòng đại diện) và 59.955 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Khó chồng khó
Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt, đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng đoanh nghiệp. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Tính đến ngày 10/10/2021 Sở đã nhận được kiến nghị của 60 doanh nghiệp (trong đó có 48 doanh nghiệp gửi phiếu ý kiến và 12 doanh nghiệp đồng ký gửi chung 01 văn bản ý kiến). Các kiến nghị được chia thành 06 nhóm. Nhóm thứ 1 và 2 kiến nghị về hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin và thời gian xét nghiệm: Có 39 lượt doanh nghiệp kiến nghị, chiếm 65% trong tổng số doanh nghiệp gửi kiến nghị. Nhóm thứ 3 kiến nghị về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: Có 37 lượt doanh nghiệp gửi kiến nghị, chiếm 61% trong tổng số doanh nghiệp gửi kiến nghị. Nhóm thứ 4 kiến nghị về việc di chuyển của chuyên gia, người lao động: Có 10 lượt doanh nghiệp gửi kiến nghị, chiếm 16% trong trong tổng số doanh nghiệp gửi kiến nghị. Nhóm thứ 5 kiến nghị về lưu thông hàng hóa: Có 5 lượt doanh nghiệp gửi kiến nghị, chiếm 8% trong trong tổng số doanh nghiệp gửi kiến nghị. Nhóm thứ 6 kiến nghị về hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Đối với nhóm đề nghị tiêm vaccine, xét nghiệm, UBND tỉnh xác định tiêm vaccine cho người lao động là giải pháp rất quan trọng và để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh xác định là đối tượng ưu tiên để tiêm vaccine
Thời gian qua, với số lượng vaccine được phân bổ từ Trung ương, bên cạnh việc thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên như quy định, UBND tỉnh đã ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động như: Tiêm 100% người lao động tại doanh nghiệp thực hiện phương án “03 tại chỗ”. Hiện tại, Trung ương đã phân bổ về 96.000 liều vaccine, Tỉnh đã triển khai ưu tiên tiêm người lao động trong khu, cụm công nghiệp và tuần này tiếp tục về 500.000 liều vaccine sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho toàn bộ 100% người lao động của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh.
Thời gian tới, lượng vaccine phân bổ về cho tỉnh tương đối lớn, tỉnh tiếp tục ưu tiên vắc xin mũi 02 cho người lao động khi đủ thời gian tiêm.
Đối với nhóm kiến nghị về khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: tỉnh sẽ cho hoạt động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc. Tình hình kiểm soát dịch bệnh, tình hình tiêm vaccine của tỉnh, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân còn ít (mũi 1 đạt 37,6% dân số trên 18 tuổi, mũi 2 đạt 5,3% dân số trên 18 tuổi) và nguyên tắc thích ứng an toàn với dịch COVID-19 là “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, vì vậy UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 287/KH-UBND về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nay đến cuối năm chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 01/10/2021 đến 31/10/2021, doanh nghiệp dưới 50 lao động thực hiện sản xuất, kinh doanh gắn với phương án phòng, chống dịch do UBND cấp huyện quyết định (không cần “3 tại chỗ”); Doanh nghiệp có lao động trên 50 thực hiện phương án “03 tại chỗ” và “một cung đường 02 điểm đến” (quy mô 70% đối với doanh nghiệp đã thực hiện phương án “03 tại chỗ” và 50% đối với doanh nghiệp đăng mới mới thực hiện phương án “03 tại chỗ”); Phương án “Một cung đường hai điểm đến”, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành nghiên cứu, bổ sung Bộ tiêu chí thẩm định, công nhận và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phương án “03 tại chỗ”, trong đó sẽ nghiên cứu xem xét bổ sung 02 hình thức mới theo hướng dần mở rộng đối với việc di chuyển của người lao động.
Giai đoạn 01/11/2021 đến 31/12/2021, điều kiện người lao động có thẻ xanh COVID (tiêm đủ 2 mũi, F0 hết bệnh), các doanh nghiệp dần chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng chống dịch, các doanh nghiệp nâng quy mô hoạt động dần theo các mức 30%-50%-70%.... Việc chuyển tỷ lệ từ 30% lên 50% lên 70% có thể nhanh, chậm chủ yếu tùy thuộc doanh nghiệp có vận hành an toàn giai đoạn trước và sẵn sàng tăng quy mô chưa.
Đối với chuyên gia, người quản lý ngoài tỉnh vào, thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế: cách ly 7 ngày tại doanh nghiệp đối với người đã tiêm 02 mũi vaccine; cách ly (tại khách sạn 7 ngày) đối với người đã tiêm 01 mũi và cách ly 14 ngày (tại khách sạn) đối với người chưa tiêm vaccine.n
Ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Sau Hội nghị này UBND tỉnh sẽ giao Thường trực UBND tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc chuyên sâu, theo ngành nghề, lĩnh vực. Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động có những ý kiến, khó khăn, vướng mắc thông tin kịp thời bằng nhiều hình thức như: điện thoại, email, văn bản, đường dây nóng…gửi đến cơ quan nhà nước, hoặc có thể thông qua đầu mối như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh…để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Tôi mong các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần doanh nhân, tự lực tự cường, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm khôi phục hoạt động và phát triển doanh nghiệp.