Trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cần được theo dõi như thế nào?
Sau khi trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19, cha mẹ cần theo dõi trẻ như thế nào để sớm phát hiện nếu có phản ứng bất lợi?
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, cha mẹ cần biết cách theo dõi sức khoẻ của học sinh sau tiêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết: "Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm vaccine xong, học sinh cần được ở lại theo dõi sức khoẻ 30 phút tại điểm tiêm. Khi các em về nhà, nơi lưu trú, trẻ cần được theo dõi sức khoẻ trong 28 ngày sau tiêm chủng, nhất là trong vòng 7 ngày đầu. Đặc biệt, trong 3 ngày đầu sau tiêm, gia đình luôn có người hỗ trợ các em 24/24 giờ; tránh không để các em vận động mạnh, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Cha mẹ và gia đình cũng cần theo dõi các dấu hiệu sau tiêm chủng của học sinh theo khuyến cáo của cán bộ y tế để xử trí kịp thời khi cần thiết."
Theo đó, PGS.TS Trần Đắc Phu Gia cũng lưu ý phụ huynh khi thấy các em có những biểu hiện sau đây, cha mẹ cần liên hệ ngay với đội cấp cứu lưu động hoặc đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Đó là các biểu hiện: Tê quanh môi và/hoặc lưỡi; phát ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, sốt ca liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt..
10.573 trẻ em phản ứng thông thường sau tiêm vaccine Covid-19
Trong số 3,5 triệu trẻ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine Pfizer tại 34 tỉnh thành có 10.573 trường hợp (tỷ lệ 0,3%) phản ứng thông thường sau tiêm.
Các phản ứng thông thường này là sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi... Riêng 3 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm gồm hai học sinh (một nam một nữ) ở Bắc Giang và một nữ sinh tại Hà Nội, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 30/11.
>>Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12
Trong đó, học sinh nam ở Bắc Giang có dấu hiệu khó thở ngay sau khi tiêm, được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), song không qua khỏi. Nữ sinh còn lại tiếp tục được bệnh viện này điều trị, hiện chưa qua nguy kịch. Trường hợp nữ sinh ở Hà Nội tử vong hôm 28/11, sau một ngày tiêm.
Về nguyên nhân tử vong của hai em này, Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng (họp ngày 29/11) xác định là phản ứng phản vệ độ 4 (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine Covid-19), không liên quan đến chất lượng vaccine và thực hành tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi triển khai từ tháng 11 trên cả nước, dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này, sử dụng 18 triệu liều vaccine Pfizer. Một số tỉnh hiện tỷ lệ tiêm đạt trên 60% số người 12-17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Bộ Y tế đã cấp phép vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; liều lượng 0,3 ml mỗi liều, tiêm bắp, lịch tiêm gồm hai mũi, khoảng cách giữa hai mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước nhóm 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ mắc Covid-19 cao, có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao, được ưu tiên tiêm trước.
>>Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?
Bà Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm cho trẻ theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ đang đi học được lập danh sách theo lớp, tiêm trước cho nhóm học sinh phổ thông trung học từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Trẻ không đi học được lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.
Hầu hết quốc gia đã có chỉ định tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, vaccine Pfizer được tiêm chủng cho trẻ 5-17 tuổi. Tại châu Âu, vaccine tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna. Tại Trung Quốc, Indonesia, trẻ 3-17 tuổi được tiêm bằng Sinovac. UEA tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17,2 triệu, trong đó mũi một là 8,9 triệu và mũi 2 là 8,2 triệu liều. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4 trên một triệu liều vaccine sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ 2.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim ở người tiêm vaccine công nghệ mRNA (như vaccine của Pfizer), theo bà Hồng. Tình trạng này gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nữ một trường hợp trên một triệu liều tiêm, còn tỷ lệ ở nam là 6-10 trường hợp trên một triệu liều tiêm. WHO và Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử trí những tình huống này. Nguy cơ phản ứng viêm cơ tim khi tiêm mũi hai cao hơn mũi một 3-6 lần do cơ thể phản ứng viêm đáp ứng miễn dịch, một số địa bàn ghi nhận tỷ lệ gấp 10 lần so với tiêm mũi một.
Tổng số liều Việt Nam đã tiêm là 122 triệu (tất cả loại vaccine), trong đó tiêm mũi một là hơn 70 triệu, tiêm mũi hai là 50 triệu liều, độ bao phủ đạt 70% người trên 18 tuổi đủ hai mũi vaccine.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế chính thức lên tiếng về 2 lô vaccine Pfizer được gia hạn 3 tháng, ý kiến chuyên gia ra sao?
22:08, 30/11/2021
Hải Phòng - Hải Dương: Phủ rộng tiêm vaccine cho học đường
08:19, 29/11/2021
Hà Nội sắp có 370.000 liều vaccine, tiêm xong cho học sinh cấp 3 sau 2 ngày
12:04, 20/11/2021
Đoàn du khách quốc tế hộ chiếu vaccine đầu tiên của Việt Nam đã đến Phú Quốc United Center
15:32, 20/11/2021