Thủ tướng đề nghị TP.HCM quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chia sẻ khó khăn với Thành phố trong thời gian giãn cách chống dịch. Đồng thời đề nghị TP.HCM quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ của trung ương và Thành phố.
Dịch bệnh tại Thành phố đang diễn biến phức tạp
Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM để đánh giá lại công tác phòng chống dịch sau 3 ngày Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tình hình dịch bệnh tại Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ 6h ngày 10/7 tới 6h ngày 11/7, Thành phố ghi nhận 1.403 ca nhiễm, phần lớn tại các khu cách ly, phong tỏa. Hiện đang điều trị 11.308 ca dương tính mới.
Từ ngày 25/6 đến ngày 10/7, Thành phố đã làm hơn 766.000 xét nghiệm kháng nguyên nhanh, lấy mẫu hơn 1,8 triệu mẫu xét nghiệm, đã có kết quả hơn 1,59 triệu mẫu, hơn 218.000 mẫu đang chờ kết quả.
TP.HCM đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 do Chủ tịch UBND Thành phố là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh.
Thành phố bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với người dân, công bố 2.833 điểm được bán hàng phân bố rộng khắp; thí điểm thành công mô hình đưa hàng hóa thiết yếu đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn… Đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân, đạt tỷ lệ 24%, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn.
Thành phố xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới về tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vắc xin phòng COVID-19; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Thành phố đã xây dựng và thành lập 8 bệnh viện dã chiến Thu Dung điều trị COVID-19, với gần 30.000 giường; chuẩn bị phương án 50.000 giường. Gần 1 triệu người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 đến 3 tuần tới.
Thành phố sẽ tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát, nếu cơ sở sản xuất không an toàn thì dừng hoạt động ngay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người gặp khó khăn, người nghèo, người yếu thế theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Không bỏ sót người lao động bị ảnh hưởng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của TP.HCM là khó khăn nhưng cần thiết và đúng hướng. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần hành động quyết liệt để thực hiện Chỉ thị 16, xác định trọng tâm, trọng điểm, mổ xẻ nguyên nhân những mặt chưa làm được để khắc phục. Trong đó, ưu tiên chống dịch để đưa thành phố về bình thường phục vụ phát triển kinh tế xã hội; dứt khoát không để bỏ sót, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm.
Ngành y tế cần tập trung cứu chữa bệnh nhân COVID-19, hạn chế tối đa tử vong, tổ chức tiếp cận vắc xin bình đẳng, không để xảy ra tiêu cực, mất trật tự an toàn xã hội trong thời gian chống dịch. “Cả nước đang hy vọng, tin tưởng và trông chờ vào TP.HCM”, Thủ tướng nói.
Đánh giá những diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp triển khai là chưa có tiền lệ, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM bám sát thực tiễn, vừa làm vừa bổ sung, không cầu toàn, nóng vội, có kế thừa, ổn định và phát triển. Trong đó, cần tích cực vận động người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, lắng nghe ý kiến nhân dân, cả ý kiến phản biện để tiếp thu, điều chỉnh.
Theo Thủ tướng, Chính phủ chia sẻ khó khăn với Thành phố trong thời gian giãn cách chống dịch. Đồng thời chia sẻ với khó khăn của nhân dân. Để chia sẻ phải có hành động, sự giúp đỡ động viên. Do vậy, Thủ tướng đề nghị Thành phố tiếp tục quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ của trung ương và Thành phố.
Trong đó phải chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở rà soát kỹ, nắm thật chắc, không để sót người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là người bán ve chai, vé số, lao động lang thang…
Thủ tướng cho biết hiện nay các thủ tục để hỗ trợ đã giảm 2/3, TP.HCM cứ mạnh dạn làm, quan trọng dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ.
Bên cạnh đó, TP.HCM thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng, thông qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, nhóm đối tượng yếu thế. Mục tiêu hướng tới là hỗ trợ phủ kín các khu dân cư, có thể tổ chức các xe bán hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường phố, khu tập thể… phục vụ người dân.
Ưu tiên thêm 2 triệu liều vắc xin cho Thành phố
Thủ tướng cho biết, từ nay đến cuối tháng 7, Bộ Y tế sẽ chuyển cho TP.HCM khoảng 2 triệu liều vắc xin; đồng thời đề nghị TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, đúng quy trình, đúng tiến độ. Tương tự, công tác xét nghiệm cũng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, xác định ổ dịch mới để khoanh vùng dập dịch.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ, Trung ương sẽ tiếp tục tăng cường vắc xin phòng COVID-19 cho TP.HCM. Tuy nhiên, ông Bình yêu cầu TP.HCM tổ chức tiêm đảm bảo có tổ chức, tính toán phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra lây nhiễm khi tiêm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM bổ sung một số đối tượng có nguy cơ cao vào danh sách các trường hợp được ưu tiên tiêm vắc xin như: lái xe, lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ, thành viên tổ y tế cộng đồng…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để chuẩn bị cho việc TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với 19 tỉnh, thành để chuẩn bị các luồng xanh cho việc vận tải hàng hóa đến TP.HCM và ngược lại.
Để đảm bảo an toàn, Bộ đã có hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị xét nghiệm, giám sát việc phòng chống dịch COVID-19 của tài xế theo nhiều lớp.
Cụ thể, doanh nghiệp vận tải khi chất hàng lên xe phải xét nghiệm COVID-19 cho tài xế. Khi xe đó xuống hàng thì phải xét nghiệm thêm lần nữa. Ngoài ra, tại các chốt kiểm dịch phải kiểm tra việc khai báo y tế, kết quả xét nghiệm và cam kết của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ xử lý nghiêm.
Ông Thể cho biết qua 3 ngày TP.HCM áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, tình hình giao thông hàng hóa tương đối ổn, không còn tình trạng ùn ứ.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, để thực hiện mục tiêu kép thì các lái xe chuyên chở hàng hóa phải đi làm. Do vậy, ông đề nghị xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng này.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Gần 9.000 tỷ đồng xây mới 5 cảng giai đoạn 2021-2025
11:00, 11/07/2021
TP.HCM: Giá căn hộ sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm
05:00, 11/07/2021
TP.HCM lập Sở chỉ huy phòng chống COVID-19
15:39, 10/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh
18:58, 09/07/2021
TP.HCM: Ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều người dân vẫn phớt lờ quy định
11:00, 09/07/2021