Chủ tịch xây dựng Hòa Bình gợi ý công thức "7K + 3T" trong phòng chống dịch

ĐỖ HUYỀN 14/08/2021 11:11

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam thay đổi chiến lược chống dịch.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược điều trị COVID-19. Theo đó, căn cứ diễn biến của nồng độ vi rút và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

-Ông đánh giá như thế nào về tình hình phòng chống đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tại thời điểm này?

Trước tiên, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID -19. Có quá nhiều việc phải làm và đã làm, có quá nhiều vấn đề cần phải xử lý và phải quyết định nhanh!

Đặc biệt khối doanh nghiệp rất cảm kích và ấm lòng khi Thủ tướng phát biểu trong cuộc họp với Chính phủ ngày 8/8 “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Dù Chính phủ đã nỗ lực vượt bậc và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, nhưng do sự phức tạp, lan nhanh của biến thể mới nên dịch bệnh vẫn chưa được khống chế tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, cũng như cả khu vực 19 tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ.

Hiện nay chúng ta đã xác định không thể triệt tiêu mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng khi phải chấp nhận cho một phần F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một yếu tố rất quan trọng cần xét đến trong việc thay đổi phương án phòng chống đại dịch COVID-19.

Với tâm dịch Sài Gòn, những ngày vừa qua, Chính phủ và chính quyền Thành phố đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ bớt khó khăn trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp.

Bộ Công an đã kịp thời thiết lập hệ thống “Khai báo di chuyển nội địa” cho người dân đi lại qua các chốt kiểm soát. Bộ Công Thương cũng đề xuất cách thức cải tiến mô hình sản xuất “ba tại chỗ” cũng như đưa ra 6 giải pháp để phục hồi việc vận chuyển hàng hóa qua các bến cảng. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi các tỉnh thành về việc phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ thị nhanh chóng đối phó với sự bùng phát nhanh dịch ở các tỉnh thành trên cả nước, nhất là ở phía Nam.

Tuy nhiên, cần có thêm nhiều sáng kiến và những phương án cụ thể đảm bảo hiệu quả cùng những hành động quyết liệt nhưng phù hợp với diễn biến của đại dịch tại từng thời điểm, từng địa phương mới có thể thay đổi cơ bản và thực sự kiểm soát được tình hình.

Ông Lê Viết Hải.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam thay đổi chiến lược chống dịch.

-Nhưng giải pháp giãn cách theo phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” rõ ràng giúp phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát dịch, thưa ông?

Phương án giãn cách này đã mang lại những kết quả nhất định trong phòng chống dịch nhưng nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định, trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa, thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không thể đạt được.

Nếu thời gian áp dụng giãn cách kéo dài (theo nhận định mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì riêng TP.HCM cần từ 3-5 tuần nữa, như vậy theo tôi Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ lâu hơn), nhiều doanh nghiệp, những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể trụ được.

Phương án giãn cách này nếu kéo dài hơn nữa và không xác định thời hạn, hết đợt này đến đợt khác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Điển hình cho câu chuyện này là trong khi nhiều nông dân không thể bán được rau củ quả, phải bỏ đi vì hư thối thì người thành phố nhất là người nghèo không thể có đủ tiền mua thực phẩm tươi sống vì nay đã trở nên quá đắt đỏ do các chuỗi sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm bị đứt gãy bởi quy định giãn cách quá nghiêm ngặt, nhiều nhà máy lương thực thực phẩm không nhận được nguyên liệu hoặc không duy trì sản xuất được do có phát sinh F0 khi làm “ba tại chỗ”. Trong khi đó thực phẩm tươi sống rất cần cho người thành phố trong lúc này bởi vì thiếu thực phẩm tươi sống sẽ làm giảm sức đề kháng của người dân để chống lại Covid nếu rủi ro bị lây nhiễm.

Làm thế nào chúng ta đảm bảo được an sinh xã hội khi người dân vừa bị đói vừa phải chịu đựng nỗi đau thương bởi dịch bệnh?

-Vậy theo ông, phương án phòng chống COVID-19 cần thay đổi phù hợp trong tình hình mới cụ thể là gì?

Trong tình hình nguy cấp này, chúng ta cần huy động tối đa mọi nguồn lực, không chỉ từ Nhà nước mà cả từ phía hơn 90 triệu dân cùng hàng triệu doanh nghiệp, theo hướng chủ động và tích cực hơn.

Không thể dập hết dịch trong một thời gian ngắn trong khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc chúng ta sống chung với dịch là không thể tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta cần trang bị tốt nhất các điều kiện để sống chung với dịch.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phía người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “Công thức 7K + 3T”, trong đó 7K bao gồm: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là: “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”. Nội dung này Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phổ biến trong nội bộ cách nay gần một tháng (15/7) và thực sự có hiệu quả khi áp dụng. Sau đó tôi đã chia sẻ kinh nghiệm này trên báo Doanh nhân Sài Gòn hơn 2 tuần trước (27/7) và cũng đã tổng hợp ý kiến của Ban Chấp hành Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP HCM gửi kiến nghị đến Chính phủ từ thứ hai tuần trước (2/8).

Thứ hai, về phía Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Bộ Y tế ngoài việc có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T, cần có tuyên truyền phổ biến rộng rãi việc áp dụng, đồng thời, có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cần xác định đối tượng chính xác trên toàn TP HCM cũng như trên toàn quốc phù hợp với số lượng vaccine có thể cung cấp được.

Thứ ba, về phía truyền thông, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hành 3T và tích cực tham gia phòng chống đại dịch, thường xuyên cập nhật hướng dẫn công việc và động viên tinh thần cho lực lượng tuyến đầu nay đã kiệt sức và xuống tinh thần.

Thứ tư, Nhà nước cần huy động mọi khả năng để có vaccine kịp thời. 

-Một chiến dịch quốc gia về tiêm chủng đã được kích hoạt và triển khai ở quy mô lớn. Ông có khuyến nghị gì cho chiến dịch này không?

Về vấn đề này tôi xin được lưu ý 4 điểm.

Thứ nhất, do vaccine rất khan hiếm nên cần xác định thật đúng đối tượng ưu tiên. Theo thông tin tổng hợp mới nhất từ khuyến nghị của Tổ tư vấn mà tôi được biết thì 23,05% người dân nằm trong độ tuổi từ 50 trở lên chiếm đến 85,76% ca tử vong (xem biểu đồ trong bài). Hiện nay, do thiếu vaccine nên cần dành vaccine cho đối tượng này, không phân biệt họ đang làm công việc gì để giảm trên 85% áp lực lên hệ thống y tế TP HCM và những nơi nguy cơ dịch bùng phát. Khi đó những người từ 49 tuổi trở xuống (chiếm 14,24% số ca tử vong) sẽ được chăm sóc tốt hơn và tỉ lệ tử vong của nhóm tuổi này (chiếm đến 76,95% dân số) nhất định sẽ giảm xuống. Cần điều chỉnh tuổi ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi xuống 50 tuổi. Một mũi tiêm cho nhóm tuổi này hiệu quả về giảm áp lực cho ngành y tế có thể tính: 85,76 x 76,95 / 23,05 x 14,24 = 20,01 lần.

Đối tượng thứ hai cần lưu ý ngoài lực lượng tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi đó là những người tham gia hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa như tôi đã nêu trong kiến nghị trước đây. Tôi xin nhấn mạnh lại tùy khả năng cung cấp vaccine và tình hình diễn biến, nguy cơ bùng phát dịch của từng địa phương, từng thời điểm để có tính toán và đưa ra được phương án tối ưu. Rất cần một tổ chuyên gia giỏi về chuyên môn và công nghệ IT để xử lý thông tin và cho ra khuyến nghị chính xác, cụ thể, nhanh chóng và kịp thời.

Thứ hai, cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin (IT) với phần mềm và cả phần cứng hiện đại nhất ngoài mục đích đưa ra khuyến nghị còn để phân loại ba đối tượng được tiêm chủng (theo Bộ Y tế): Loại 1: những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ; Loại 2: những người có nguy cơ bị sốc; Loại 3: những người chống chỉ định tiêm chủng. Bộ Y tế đã có ban hành sổ sức khỏe điện tử, nay chỉ cần bổ sung nội dung khai báo trong sổ sức khỏe tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người, đặc biệt là về những yếu tố liên quan đến điều kiện tiêm chủng.

Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Dữ liệu khai báo cần được số hóa, thường xuyên cập nhật và gửi về Trung tâm tiếp nhận thông tin y tế. Trung tâm này có chức năng tự động phân loại và phản hồi cho người dân biết mình thuộc nhóm đối tượng nào.

Thứ ba, tận dụng chính những nơi từng làm điểm bầu cử ĐBQH trước đây để tổ chức tiêm chủng nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm. Chúng ta chỉ cần huy động thêm mỗi điểm 1 bác sĩ và 2-3 y tá (địa phương có thể tự lo) còn lại có thể tận dụng nhân lực phục vụ công tác bầu cử tại những địa điểm đó, hướng dẫn chi tiết cho họ. Cách làm này rất thuận lợi vì danh sách tiêm phòng với danh sách cử tri sẽ không khác nhau là mấy và quan trọng nhất là sẽ đảm bảo an toàn do phân tán nhỏ các điểm tiêm phòng để không tụ tập đông người. Áp dụng phương án này trong vòng không quá 3 tháng sẽ tiêm chích hết cho toàn dân đủ 2 mũi.

Thứ tư, cần thiết lập một hệ thống phân phối vaccine vận hành đúng giờ và được bảo quản an toàn. Với 77 kho lạnh do Chính phủ Mỹ vừa trao tặng, chúng ta đã có điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức hệ thống kho vận cho vaccine.

Song song với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, việc mua thuốc điều trị cần được triển khai đồng thời với công tác dập dịch. Ngay từ bây giờ, song song với việc nhanh chóng tiếp cận và xúc tiến việc mua thuốc điều trị Covid-19 (có thể là thuốc Molnupiravir, được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) và Merck (Mỹ)), Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ (tiền và mọi phương tiện, cơ chế, chính sách) những nhà nghiên cứu chế tạo thuốc điều trị COVID-19 trong nước để đẩy nhanh thử nghiệm và chuẩn bị tốt nhất cho việc sản xuất đại trà. Tuy nhiên cũng không nên quá phụ thuộc vào việc tự sản xuất vì cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng cho việc sản xuất đại trà trong khi đây là một nhu cầu rất cấp bách.

Ngoài vaccine thì việc cung cấp thuốc trị bệnh này kịp thời, rõ ràng là một giải pháp hiệu quả nhất cho công tác chống dịch và sống chung với một môi trường luôn COVID-19 với những biến thể khôn lường. Đó là một điều không ai mong muốn nhưng chúng ta cần xác định là sẽ không thể tránh khỏi.

Cuối cùng là việc bảo đảm cung cấp đủ thuốc men để trị các triệu chứng bệnh thông thường mà người dân và doanh nghiệp có thể tự mua và cho người nhiễm bệnh COVID-19 uống theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Molnupiravir: Thêm hy vọng trong điều trị COVID-19

    05:00, 13/08/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Một số điểm trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19

    21:54, 12/08/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho TP HCM để chống COVID-19

    21:48, 12/08/2021

  • Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam gần 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19

    17:10, 12/08/2021

ĐỖ HUYỀN