Doanh nghiệp đầu tư giao thông kêu cứu

THY HẰNG thực hiện 22/08/2021 11:52

Doanh thu bằng 0, nợ xấu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp đầu tư giao thông đang gặp khó khăn chưa từng có.

Thông qua VCCI, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị Chính phủ xem xét các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư công trình giao thông.

Trao đổi với DĐDN, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, các doanh nghiệp đầu tư công trình giao thông đề xuất sớm có sự điều chỉnh lãi vay theo quy luật của các dự án BOT phù hợp phương án đầu tư.

- Trong bối cảnh khó khăn chung từ đại dịch, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư công trình giao thông có gì khác biệt, thưa ông?

Cùng một lúc chịu nhiều tác động, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đầu tư công trình giao thông đang cạn kiệt. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu của Tổng cục đường bộ Việt Nam và của địa phương, các doanh nghiệp vận hành khai thác BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam và TP Hà Nội đã dừng thu phí BOT dẫn đến doanh thu tại các trạm thu phí bằng 0.

Đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, các doanh nghiệp cũng đang miễn thu phí cho các phương tiện phục vụ chống dịch. Đồng thời giảm phí cho các phương tiện. Vì vậy, doanh thu của các trạm BOT sụt giảm mạnh.

Với các nhà thầu đang thi công thì không thể luân chuyển nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ. Cá biệt, một số dự án còn phải dừng thi công như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu... gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

- Vậy những doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” tác động thế nào, thưa ông?

Những dự án may mắn vẫn duy trì thi công theo mô hình “3 tại chỗ” thì mặc dù cách xa khu dân cư nhưng lại bị chậm trễ và phát sinh chi phí hàng ngày rất lớn. Cụ thể, các khoản như test nhanh 3 ngày/lần đối với tài xế chở vật liệu và 5 - 7 ngày/lần đối với lao động trên công trường, tổ chức ăn, ở, làm việc tại chỗ...

Cộng vào đó, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí duy trì bộ máy nhân sự, kinh phí để vận hành và trả nợ lãi ngân hàng. Tất cả những khó khăn kể trên, cộng với bất cập tồn tại từ “bài toán ngược” trong cho vay vốn các dự án đầu tư giao thông là khó khăn “chồng” khó khăn đang khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ xấu và có nguy cơ phá sản.

 Các nhà thầu không thể luân chuyển nhân sự, thiết bị, vật tư làm ảnh hưởng đến tiến độ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp. (Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: BGT)

Các nhà thầu không thể luân chuyển nhân sự, thiết bị, vật tư làm ảnh hưởng đến tiến độ gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp. (Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: BGT)

- Cụ thể bất cập “bài toán ngược” mà ông vừa nhắc tới như thế nào?

Có thể thấy, đầu tư một dự án BOT giao thông chi phí rất lớn, thu hồi vốn trong nhiều năm, nhưng những năm đầu nguồn thu hồi vốn sẽ rất “èo uột”, các năm sau mới tăng dần. Ở chiều ngược lại, mức thu lãi ngân hàng những năm đầu rất nặng, các năm sau lại ít đi. Đây là "bài toán ngược" trong nguồn vốn vay đối với các dự án đầu tư giao thông. Điển hình như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tiếp đến là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nếu được nối thông tới Hữu Nghị thì hấp dẫn ngay. Rất tiếc, dự án làm xong không có kết nối nên trở thành "đường cụt" với lượng xe rất ít. Nhà đầu tư đang mắc kẹt. “Cú bồi” khó khăn từ đại dịch càng cho thấy giải quyết bất cập “bài toán ngược” này là yêu cầu cấp thiết.

- Mục tiêu của VARSI thông qua VCCI, kêu cứu Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn gì, thưa ông?

Doanh nghiệp đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết mâu thuẫn giữa lãi suất vay ngân hàng phù hợp với tình hình thu của các dự án BOT. Cần có sự điều chỉnh lãi vay cho từng dòng đối tượng.

Chúng tôi cũng đề nghị VCCI báo cáo Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT, hợp đồng vay tín dụng trước đại dịch.

Cần sớm giải quyết việc hoàn thuế GTGT đối với những hóa đơn phát sinh cho doanh nghiệp BOT, sau thời điểm đưa dự án vào khai thác. Đồng thời, các bộ, ngành nên hướng dẫn, bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công. Các khoản vay thi công nên được hoãn nộp hoặc tính lãi suất 0% để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tồn tại được.

- Xin cảm ơn ông!

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5503 gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT của các dự án BOT theo kiến nghị của VARSI. Phó Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI; đồng thời đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định của pháp luật, có văn bản trả lời cho Hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trong tháng 8/2021.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả:

Chúng tôi đã đăng ký làm việc với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước…để nêu lên những khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư. Dịch bệnh ảnh hưởng chung đến toàn xã hội, lượng phương tiện qua các trạm thu phí giảm, nhưng các nhà đầu hạ tầng giao thông đường bộ hầu như không nhận được sự hỗ trợ gì từ Nhà nước. Việc giảm thuế, đến nay chưa có nhà đầu tư nào được giảm. Các gói hỗ trợ của Chính phủ các nhà đầu tư chưa tiếp cận được.

THY HẰNG thực hiện