JCCI đề xuất 3 nới lỏng để doanh nghiệp nhanh phục hồi

NGUYỄN MINH 19/10/2021 12:01

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI), ông Inoue đã đưa ra 3 đề xuất trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai.

ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ TP. Hà Nội

ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội” diễn ra sáng nay (19/10) tại Thành uỷ TP. Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hà Nội, cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù TP. Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP. Hà Nội, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của thành phố, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của cả Thành phố.

Thách thức hiện hữu

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP của TP. Hà Nội 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa tại một số thời điểm nhất định bị giãn đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid -19.

ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đánh giá tình hình thu hút đầu tư FDI

Đại diện hơn 100 doanh nghiệp FDI tham dự Hội nghị, ông Inouce – HHDN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho hay, vào thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, các nhà máy phải tạm dừng, tỉ lệ hoạt động bị giảm sút do các quy định nghiêm ngặt chưa từng có ở các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á về điều kiện hoạt động sản xuất và quy định đi làm của người lao động. Ví dụ như thực hiện 3 tại chỗ trong các nhà máy trên địa bàn quận Đông Anh,...dẫn đến xuất hiện xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ TP.Hà Nội sang các nước lân cận.

Theo đó, đại diện JCCI đề xuất trường hợp sau này nếu dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát thì, không áp dụng biện pháp 3 tại chỗ mà cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc - xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà không liên quan đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với một số lượng người nhất định (Ví dụ: 5 ~ 10 % tổng số người đi làm) kể cả trong trường hợp không có chứng nhận đã tiêm vắc - xin; gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính là khoảng 2 tuần

“Kể cả trong trường hợp phải dừng hoạt động để thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi phát sinh ca nhiễm FO tại nhà máy thì cũng cố gắng khoanh vùng cho dừng dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu” ông Inouce nói.

Mặt khác, theo JCCI, việc xét nghiệm PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải. Đặc biệt, khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại khu vực có phát hiện ca nhiễm cộng đồng thì các phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực quận huyện đó, gây cản trở lớn đến việc cung cấp vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất nhu yếu phẩm của nhân dân và hoạt động sản xuất của nhà máy. Hơn thế, biện pháp 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải cũng làm hạn chế nhiều đến đội ngũ lao động làm việc.

“Cần nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu họ đã tiêm vắc xin, và cho phép lưu thông qua cả khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nằm trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và điểm cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách xã hội…” ông Inouce đề xuất.

Trong lĩnh vực xây dựng, chủ đầu tư Dự án xây dựng khách sạn cao cấp 5 Sao và văn phòng hiện đại tại lô B3CC1 Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, ông Park Seung Bae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JR22 Việt chia sẻ, do diễn biến phức tạp của địa dịch Covid trong thời gian qua và những thay đổi của một số luật có liên quan nên tiến độ thực hiện Dự án đã bị chậm lại, gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt Dự án này là một Dự án phát triển tiêu biểu, có sự tham gia trực tiếp của nhiều tổ chức tài chính Hàn Quốc, trong đó lần đầu tiên một lượng vốn đầu tư lớn đã được đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam…

“Vì vậy chúng tôi mong muốn Thành phố Hà Nội giúp đỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các TTHC nêu trên để chúng tôi có thể sớm thực hiện các thủ tục tiếp theo và Dự án được triển khai một cách thành công. Qua đó chúng tôi cũng hy vọng rằng các hoạt động đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục được diễn ra thuận lợi trong thời gian tới” ông Park Seung Bae kiến nghị. 

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham chia sẻ, Các TTHC tại Việt Nam đã có bước cải thiện vượt bậc, đặc biệt là về thuế, hải quan. Tuy nhiên, một ssố thủ tục như hoàn thuế vẫn còn mất nhiều thời gian hoặc như việc nhập cảnh cho chuyên gia và  nhà đầu tư vẫn còn khó khăn, phải chờ đợi vài tuần. Bên cạnh đó, Hà Nội nên tính toán, xem xét quy hoạch không chỉ về đất đai mà cả con người cho dự án có công nghệ chất xám cao hơn, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi tin rằng đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi  sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò phục vụ

Tại Hội nghị, những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh như, các vấn đề về thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia và người lao động nước ngoài, quy định hạn chế xuất nhập cảnh, thực hiện quy định phòng chống dịch và một số vấn đề y tế của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đặc thù (lĩnh vực giáo dục đào tạo) chưa được tiếp tục hoạt động…của các doanh nghiệp FDI cơ bản đã được Lãnh đạo Thành phố và các Sở, ngành liên quan giải đáp, tháo gỡ…

Nhìn nhận việc hỗ trợ và giải quyết tối đa các hồ sơ và đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chia sẻ, với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết và hướng dẫn tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc cho nhà đầu tư. Sau thời gian giãn cách (từ 21/9/2021 đến ngày 15/10/2021), Sở KH&ĐT đã tiếp nhận và xử lý 416 lượt hồ sơ một cửa thuộc lĩnh vực đầu tư FDI (bằng 65,9% tổng số hồ sơ từ đầu năm); giải quyết 278 hồ sơ với số vốn tăng lên khoảng 340 triệu USD (bằng 40,9% vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm, bao gồm đăng ký dự án mới, dự án tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần), nâng tổng số vốn thu hút FDI năm 2021 đến nay khoảng 1.200 triệu USD.

Đồng quan điểm, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; chính quyền TP.Hà Nội xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Lãnh đạo Thành phố trao đổi giao lưu với doanh nghiệp FDI tại Hội nghị

Lãnh đạo Thành phố trao đổi giao lưu với doanh nghiệp FDI tại Hội nghị

Chính quyền Thành phố luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD…

“Việc tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát sẽ là thông điệp mạnh mẽ của TP.Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đồng thời khẳng định TP. Hà Nội luôn quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới” ông Dũng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

    10:43, 19/10/2021

  • Quy định của Sở GTVT Hà Nội “đánh đố” doanh nghiệp

    23:36, 18/10/2021

  • 19/10: Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội

    19:36, 17/10/2021

  • Diễn biến trái chiều phân khúc biệt thự, liền kề Hà Nội

    04:00, 16/10/2021

  • CDC Hà Nội: Toàn thành phố sẽ là "vùng xanh"

    20:15, 15/10/2021

NGUYỄN MINH