Doanh nghiệp mong muốn chủ động hơn về phương án chống dịch
Hội nghị đã nhận được 35 ý kiến đóng góp, hiến kế rất trọng tâm, chất lượng của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của TP.
Sáng nay, 19-10, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19”. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự, phát biểu khai mạc hội nghị.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về Nghị quyết 128, Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham cho biết: Đối với các doanh nghiệp có một trường hợp F0, F1, Bộ Y tế sẽ không đóng cửa cả nhà máy, mà chỉ khoanh vùng phân xưởng và cho phép sau 24h, DN có thể đưa lực lượng mới, được kiểm soát, quay trở lại làm việc. Về vấn đề này, Eurocham mong muốn, đối với sự cố doanh nghiệp có F0 hoặc F1, Bộ Y tế có thể xử lý xem xét dựa theo tình trạng tiêm vaccine của đối tượng đó, rút ngắn thời gian cách ly để tránh tình trạng đứt gãy sản xuất.
Doanh nghiệp FDI cùng "hiến kế" với TP Hà Nội
Tại phiên đối thoại tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, ở lĩnh vực xây dựng, chủ đầu tư Dự án xây dựng khách sạn cao cấp 5 sao và văn phòng hiện đại tại lô B3CC1 Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, ông Park Seung Bae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JR22 Việt đề xuất, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm lại, gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt, dự án này là một dự án phát triển tiêu biểu, có sự tham gia trực tiếp của nhiều tổ chức tài chính Hàn Quốc, trong đó lần đầu tiên một lượng vốn lớn đã được đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thành phố Hà Nội giúp đỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục hành chính để dự án được triển khai một cách thành công.
Đại diện Bệnh viện Việt Pháp đánh giá cao việc xử lý dịch bệnh của thành phố. Bệnh viện Việt Pháp cũng đã đầu tư dự án mở rộng quy mô với những công nghệ mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây ra những khó khăn trong việc hoàn thiện cấp phép cho dự án đầu tư, cho phép gia hạn để đẩy nhanh quá trình cấp phép và thông qua, nhất là quá trình làm việc với các bộ liên quan để gia hạn giấy phép. Trước tình trạng thiếu chuyên gia để cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, bệnh viện mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào làm việc; ngoài ra, tiếp tục các chính sách gia hạn thuế giúp các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch.
Đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý, cho biết: "Nhà máy của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ xử lý 70% rác thải sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội. Được xây dựng từ tháng 8-2019, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021, đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị chậm tiến độ. Hiện, nhà máy đang hoàn thiện và nghiệm thu, chúng tôi gặp khó khăn điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện, đến nay chưa được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phê duyệt, đề nghị Bộ sớm phê duyệt để chúng tôi sớm triển khai đóng điện, đưa nhà máy đi vào vận hành nhằm cùng Hà Nội xử lý các vấn đề về rác thải của thành phố"...
Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp khác cũng đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc. Cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết; tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế. Phải tạo được niềm tin cho tất cả các doanh nghiệp FDI để mang chất xám phát triển Việt Nam, thành phố Hà Nội.
Đối với chi phí logistics, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đối mặt với rất nhiều vấn đề như chồng chéo nhiều chi phí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của doanh nghiệp…
Lãnh đạo các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch và Cục Thuế Hà Nội đã ghi nhận, tiếp thu cũng như giải đáp cụ thể, chi tiết những ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp. Trong đó, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng "gỡ" vướng cho các nhà đầu tư
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã trả lời cụ thể ý kiến của các doanh nghiệp và việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam, nhập cảnh chuyên gia, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài.
Trả lời đề xuất từ Đại diện Eurocharm về việc gia hạn giấy phép mà không cần cấp mới cho các nhà đầu tư và chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: "Theo Nghị định 152, giấy phép cho lao động người nước ngoài hết hạn cần được cấp mới, thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều."
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, hạn chế ca mắc và tử vong, khôi phục, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND các tỉnh, thành phố cần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch tốt. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, khi ca F0 xuất hiện tại phân xưởng nhà máy, chúng ta đã thực hiện theo nguyên tắc chỉ phong tỏa phân xưởng, sàng lọc, phun trùng khử khuẩn, sau 24 giờ, phân xưởng được hoạt động trở lại, chứ không phong tỏa cả nhà máy như các giai đoạn trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thể hiện sự tiên phong của Thủ đô, sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện lớn trong tư duy quản lý, từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp và được thể hiện với kết quả 9 tháng đầu năm rất khả quan.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng Hà Nội để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, dịch Covid-19 vẫn hiện hữu nên phải tiếp tục đặt công tác chống dịch lên hàng đầu. "Đề nghị thành phố cùng các doanh nghiệp xác định tinh thần mở cửa kinh tế nhưng chưa mở cửa xã hội, chống dịch với tinh thần không chủ quan cũng không thái quá.Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chống dịch, thích ứng với dịch thật cụ thể để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện. Về phục hồi kinh tế, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dễ tiếp cận, chính sách đủ dài và đủ lớn…Tạo đột phá, cơ cấu lại kinh tế với các ngành nghề như du lịch, dịch vụ,...đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hạ tầng số,..."
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và các đại biểu dự hội nghị đối với những khó khăn chung mà thành phố và cả nước đang đối mặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như những đề xuất, kiến nghị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Sau gần 2 tiếng làm việc khẩn trương, hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố.
Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, cùng với những đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ.
Đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp kỳ vọng sự dẫn dắt của VCCI trong khôi phục hoạt động sản xuất
18:00, 19/10/2021
Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
14:34, 19/10/2021
JCCI đề xuất 3 nới lỏng để doanh nghiệp nhanh phục hồi
12:01, 19/10/2021
Hà Nội đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
10:43, 19/10/2021