Nam Định: Doanh nghiệp vận tải đề xuất 5 giải pháp để phục hồi sau đại dịch
Doanh thu giảm từ 60% - 70%, các doanh nghiệp vận tải Nam Định rơi vào tình trạng khốn đốn.
Ông Nguyễn Văn Thạc – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua nhìn chung các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải trong tỉnh đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nên đã góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan qua hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá. Chính vì vậy, doanh thu, tăng trưởng của các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, hiện nay có tới 80% số lượng phương tiện của các đơn vị vận tải phải vay vốn ngân hàng để đầu tư.
Do tác động của dịch bệnh hoạt động vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, taxi đều phải cắt giảm tần suất; giảm số lượng khách/chuyến; giảm số lượng xe xuất bến/tuyến với khoảng 60% số lượng phương tiện không được hoạt động. Cá biệt các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị. Sản lượng số phương tiện được hoạt động chỉ đạt mức 50% nên doanh thu của các đơn vị giảm từ 60-70%. "Trong khi đó các chi phí như: trả lương và hỗ trợ lương thất nghiệp tạm thời cho người lao động; tiền BHXH; lãi suất vay ngân hàng; tiền thuê đất… doanh nghiệp vẫn phải trả hàng tháng. Sản lượng, doanh thu giảm đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho các đơn vị kinh doanh vận tải" – ông Thạc cho biết thêm.
Ngày 19/8/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định đã có văn bản số 843/NAĐ-TH thông tin tới Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định về Nghị quyết 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chỉnh phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay là 0%/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thạc – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, không một doanh nghiệp vận tải nào ở Nam Định tiếp cận được với các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra, bởi các tiêu chí quá cao, các doanh nghiệp không đáp ứng được.
Do đó, vừa qua Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định đã có văn bản kiến nghị miễn giảm chi phí cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gửi tới Thủ tưởng Chính phủ và các bộ ban ngành.
Văn bản nêu rõ, doanh nghiệp vận tải đã phải chịu tác động liên tiếp của các đợt đại dịch COVID-19, bị thiệt hại lớn về kinh tế, doanh thu và có thể dẫn tới phá sản, không có khả năng phục hồi hoạt động nếu không có chính sách hỗ trợ bổ sung của Chính phủ. Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị:
Về thuế, xin giảm 50% thuế VAT cho xe vận tải hàng hoá, miến 100% thuế VAT cho doanh nghiệp vận tải hành khách trong thời gian 12 tháng, miễn thuế ấn định cho những phương tiện phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Đề nghị được miễn hoặc hoãn thời gian thanh toán BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp… và không tính lãi nộp chậm đến khi hoạt động vận tải ổn định trở lại. Đề nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có chính sách giảm lãi suất từ 3% - 5%, đồng thời khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp, HTX vận tải gặp khó khăn về tài chính do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ cho lùi thời gian lắp camera giám sát hành trình đối với phương tiện vận chuyển hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe công-ten-nơ (theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP) đến ngày 31/7/2023 thay vì thời điểm 1/7/2021. Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch TƯ và tỉnh Nam Định có kế hoạch tiêm vacine cho đội ngũ lái xe và nhân viên doanh nghiệp vận tải theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.
Theo báo cáo của Sở GTVT Nam Định, 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hành khách và hàng hoá của tỉnh ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 bùng phát trở lại: khối lượng vận tải hành khách đạt 12,147 triệu lượt người (52,8%); khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 15,736 triệu tấn (bằng 68,8%) so với kế hoạch năm 2021.
Từ ngày 24/7/2021 đến nay cơ bản tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh từ Nam Đinh đi, đến 44 tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh (xe buýt, taxi) các đơn vị vận tải chủ động điều chỉnh kế hoạch khai thác, hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh: Công ty Cổ phần Xuân Thiệu Nam Định tạm dừng hoạt động tuyến buýt liên tỉnh NH05 đi tỉnh Hà Nam, giảm 50% số chuyến đối với các tuyến NĐ-01, NĐ-02, NĐ-03; Công ty TNHH Ô tô Đại Duy giảm 50% số chuyến đối với các tuyến NĐ-07, NĐ-08A, NĐ-08B, NĐ-10; các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị.
Có thể bạn quan tâm