Tiền Giang: 19 doanh nghiệp FDI gửi thư "cầu cứu" Thủ tướng

NGUYÊN AN 21/10/2021 03:02

19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang vừa gửi thư đến Thủ tướng, cho rằng việc tỉnh Tiền Giang "một mình đi một đường" khiến cho doanh nghiệp và người lao động "rất khổ sở".

Theo Báo Chính phủ, mới đây 19 doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang đã gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc gặp khó khăn khi tái sản xuất trong “bình thường mới”.

Theo đó, các doanh nghiệp bày tỏ: Sau gần nửa năm kiên cường chiến đấu với dịch bệnh, Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hiện Chính phủ bắt đầu thay đổi chiến lược trong công tác phòng chống dịch để phù hợp với tình hình mới, không còn theo đuổi hướng đi “Zero COVID” như trước, các biện pháp phong tỏa cũng đã linh hoạt hơn. Ngày 11/10, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng đắn và kịp thời, minh chứng là nhiều tỉnh thành phía Nam đã dần trở lại trạng thái bình thường mới.

9 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang với số lượng hàng chục ngàn lao động

9 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang với số lượng hàng chục ngàn lao động đang gặp khó khi tái sản xuất hậu giãn cách.

Hiện đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp và người lao động nói chung đã và đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Dù được sự quan tâm của Chính phủ trong việc ưu tiên phân bổ vaccine nhiều hơn hầu hết các tỉnh thành khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên đến nay tỷ lệ phủ vaccine của tỉnh Tiền Giang chỉ đạt 57% (849.600 liều).

Hiện tiến độ tiêm mũi 1 vắc xin tại các doanh nghiệp đông lao động trung bình từ 25-50%. Tiền Giang cũng đã hạ mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 xuống còn Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh, điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch đã có kết quả tích cực. Sau những gì Việt Nam trải qua, đã đến lúc tỉnh cần thay đổi suy nghĩ và hành động trong việc phòng, chống dịch nhắm đến cốt lõi là đời sống xã hội và sức khỏe con người, chứ không nên nhìn vào con số và tiếp tục phong tỏa nữa - các doanh nghiệp kiến nghị.

Thuy nhiên, cũng theo các doanh nghiệp, về phía người lao động tại các doanh nghiệp, dù đã được tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy, theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Cần đến khi 100% người lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Vào ngày 1/10, cộng đồng doanh nghiệp lớn có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào. Trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Trong khi Nghị quyết 128/NQ-CP quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cung cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine, hơn nữa Tiền Giang cũng đã áp dụng phân vùng 2 trên địa bàn toàn tỉnh, từ đầu tháng 10/2021 rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân đã được đi lại tự do trong tỉnh nhưng không thể đi làm, doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa và thiệt hại kéo dài khiến chúng tôi rất khó hiểu và bức xúc.

Việc Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn… Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng với những gì đang diễn ra”.

“Ngay bây giờ chúng tôi cần những giải pháp từ Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng ngàn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng” - Cộng đồng các doanh nghiệp FDI Tiền Giang bày tỏ và khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.

Thứ hai, cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11/2021. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, cam kết đảm bảo an toàn trong sản xuất, doanh nghiệp sẽ yêu cầu tuân thủ 5K tại nơi làm việc, người lao động sẽ phải đeo khẩu trang mọi lúc trừ lúc ăn. Giãn thời gian công nhân đến và rời doanh nghiệp để phân luồng, giảm mật độ tập trung đông người. Bố trí cồn rửa tay ở tất cả mọi nơi có sự hiện diện của hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người lao động.

Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo không có sự giao lưu, ăn uống hoặc trộn lẫn công nhân giữa các phân xưởng/dây chuyền sản xuất. Các đơn vị sẽ bố trí vùng đệm an toàn cho các bộ phận cần tiếp xúc với nhau.

Ví dụ: một phòng/khu vực trống giữa hai xưởng/chuyền/bộ phận để giao nhận đồ mà không gặp mặt nhau ở khoảng giãn cách. Với các dây chuyền không thể đảm bảo khoảng cách 1 hoặc 2 mét do đặc thù dây chuyền sản xuất, trang bị kính bảo hộ mặt cá nhân cho từng lao động; hạn chế nói chuyên; không ăn uống tại dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ bố trí khu vực cách ly tạm thời cho những trường hợp nghi nhiễm F0, F1 và người có liên quan tại doanh nghiệp trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý. Các công ty sẽ có bộ phận y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 tại chỗ. Khi phát hiện ca nhiễm, doanh nghiệp chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy.

Thứ ba, đề nghị không hạn thời gian giới nghiêm (19 giờ tối đến 5 giờ sáng) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc (theo công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18/10/2021).

Thứ tư, đề nghị test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc (theo nội dung cuộc họp 4 bên ngày 19/10/2021). Sau đó doanh nghiệp tự xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm xét nghiệm định kỳ. Định kỳ tổ chức xét nghiệm test nhanh (3 ngày/lần) hoặc phương pháp RT-PCR (7 ngày/lần) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc bên ngoài (quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng... ). Số lao động còn lại được luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, mỗi lần ít hơn 20% lao động (đảm bảo xét nghiệm cho toàn bộ các chuyền, xưởng... ).

Sau khi hoạt động ổn định và xác định tình hình dịch bệnh tại doanh nghiệp chắc chắn an toàn, sẽ kéo dài thời gian xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Việc xét nghiệm vẫn do cơ quan y tế đảm trách.

Thứ năm, đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.

Cuối thư, cộng đồng các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang một lần nữa đề nghị Thủ tướng “xem xét và có biện pháp can thiệp giúp đỡ doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất để góp phần vào tiến trình phục hồi kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm và ổn định đời sống kinh tế cho người lao động trên tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

    Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

    05:00, 20/10/2021

  • Nam Định: Doanh nghiệp vận tải đề xuất 5 giải pháp để phục hồi sau đại dịch

    Nam Định: Doanh nghiệp vận tải đề xuất 5 giải pháp để phục hồi sau đại dịch

    03:13, 20/10/2021

  • Doanh nghiệp mong muốn chủ động hơn về phương án chống dịch

    Doanh nghiệp mong muốn chủ động hơn về phương án chống dịch

    16:00, 19/10/2021

  • Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    14:34, 19/10/2021

  • EuroCham đề xuất Hà Nội cắt giảm thủ tục nhập cảnh với nhà đầu tư

    EuroCham đề xuất Hà Nội cắt giảm thủ tục nhập cảnh với nhà đầu tư

    12:50, 19/10/2021

NGUYÊN AN