“Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khi nền kinh tế phục hồi”
Đây là nhấn mạnh TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp khi nói về những lo ngại về tình trạng thừa lao động thiếu việc làm dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Hôm nay (22/10), Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Toạ đàm: Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế, đồng thời tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
Dẫn nguồn Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới: Xu hướng 2021” của ILO (WESO), ông Dũng cho biết dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ rất nghiêm trọng. Dự kiến sẽ có hơn 200 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng rất cao so với các năm trước đó. Kể cả những nền kinh tế rất phát triển như Mỹ, Anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng những ảnh hưởng sâu sắc của sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, chuyển đổi mô hình phát triển và đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm và thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động. Dự báo đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; khoảng 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyến sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Dũng, báo cáo này kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ; việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Trong bối cảnh chung đó, ông Dũng nhấn mạnh Việt Nam cũng không là ngoại lệ nếu không có những giải pháp tốt cho vấn đề này.
“Thực tế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc; tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động là điều dễ hiểu.
Ngược lại, khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp thực hiện việc tăng tốc sản xuất, kinh doanh sẽ dấn đến việc tăng cao nhu cầu lao động, việc thiếu hụt lao động cũng có thể xảy ra”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động. Mặt khác, độ bao phủ vaccine đang được mở rộng rất nhanh. Những điều này đã góp phần làm “giảm sốc” các tác động của dịch bệnh tới thị trường lao động và tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.
Ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo khung khổ chính sách nhất quán để triển khai thực hiện, tránh cát cứ, cục bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng để việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường lao động vận hành trơn tru, thông suốt.
Đặc biệt, Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.
Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng, việc hỗ trợ an sinh xã hội, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng là một trong những nội dung quan trọng. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề đào tạo nghề nghiệp để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp cần doanh nghiệp để cho người học thực hành thực tập và nắm bắt nhu cầu để đào tạo; người học, người lao động cần việc làm, cần sinh kế. Việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cần sự chung tay của tất cả các chủ thể.
Mới đây, nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.
Trong Thư, Chủ tịch nước đă khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”, đề nghị Quốc hội, Chính phủ; và các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động;
Cũng trong thời gian gần đây, nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng KNN cho NLĐ đã được ban hành và đang triển khai như: Nghị quyết số 68/NQ-CP và QĐ số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 Phê duyệt Chương trình “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Do đó, ông Dũng nhấn mạnh tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm
chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” của Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực chính là sự chung tay tìm lời giải cho việc góp phần bảo đảm hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động của các doanh nghiệp và để tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển Giáo dục Nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, ông Dũng cho biết tọa đàm bao gồm 3 nội dung chính:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội
Thư hai, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg
Thứ ba, đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần tư theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam: Khó "giữ chân" được lực lượng lao động hồi hương?
15:53, 20/10/2021
Đồng Nai: Giao doanh nghiệp giải bài toán hỗ trợ người lao động
01:46, 20/10/2021
Tây Ninh: Gần 7.000 người lao động đã nhận tin vui từ quỹ BH thất nghiệp
16:51, 19/10/2021