“Cứu nguy” ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp đề xuất xây dựng vùng chăn nuôi công nghiệp

THY HẰNG 01/11/2021 00:12

Theo đó, ưu tiên quỹ đất cho doanh nghiệp sản xuất con giống phục vụ việc tái đàn đảm bảo, đồng thời ưu tiên việc xây dựng và phát triển các vùng chăn nuôi công nghiệp.

Như DĐDN đã đưa tin, ngành chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn như khi giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương…Điều này không chỉ gây áp lực nên người chăn nuôi và doanh nghiệp trong ngành, đồng thời “đe doạ” tới việc đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm – dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần cận kề. 

các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm

Các trại gà thịt của Hùng Nhơn cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm và thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm. Ảnh: Dân Việt

Cụ thể, theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%, tương đương khoảng 1,5 triệu con.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian qua, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30 - 50%.

Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường nhưng lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng ít nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế... Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ 2020 (tăng từ 16 - 36%). Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60% giá thành vật nuôi. Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được thậm chí thua lỗ. Lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5 - 2 triệu con). Tại các nước có ngành chăn nuôi lớn như EU, Hoa Kỳ và quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan... người nuôi cũng đối mặt với khó khăn tương tự, cơ quan này nhận định.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có đề xuất các giải pháp ngắn hạn và lâu dài giải quyết tồn tại của ngành chăn nuôi. Trong đó, ưu tiên quỹ đất cho doanh nghiệp sản xuất con giống phục vụ việc tái đàn đảm bảo, đồng thời ưu tiên việc xây dựng và phát triển các vùng chăn nuôi công nghiệp.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 14 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN với 1.000ha trang trại tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm, các trang trại heo cụ kỵ, ông bà, cung cấp cho thị trường 14.000 heo bố mẹ và 375.000 heo thương phẩm mỗi năm.

Tháng 05/2019, Hùng Nhơn bắt tay Tập đoàn De Heus của Hà Lan xây dựng Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó dự án trang trại heo giống cao sản Đăk Lăk đã hoàn thiện, với công suất chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ và ông bà.

mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống, từ con giống doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ để nâng cao hiệu quả

Doanh nghiệp mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống từ đó hoạt động chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.

Tập đoàn Hùng Nhơn kiến nghị: “Chúng tôi đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng các vùng chăn nuôi công nghiệp để phát triển hơn nữa tiềm năng vốn có của Tây Nguyên và Nam bộ”.

Cùng quan điểm, ông Lưu Sơn Thuỷ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy Hà cho biết, việc chăn nuôi tập trung xây dựng hình thành các vùng chăn nuôi công nghiệp là giải pháp bền vững. Nhưng trước hết cần đảm bảo vấn đề con giống.

Cụ thể, ông Thuỷ cho biết, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam chủ yếu nhập bò sống từ Úc và Thái Lan với sản lượng rất lớn. Cụ thể, năm 2020, các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp tại  Việt Nam nhập 270.000 con bò từ Thái Lan và khoảng 270.000 con bò Úc để vỗ béo.

Số lượng bò thịt tại trang trại của Công ty Sơn Thủ Hà luôn có khoảng 20.000 con bò thịt, nhủ yếu nhập khẩu từ Úc nhưng những năm gần đây giá bò sống tăng rất cao vì nhiều doanh nghiệp nhập về. Nếu chỉ nhập bò Úc để nuôi vỗ thì doanh nghiệp không chịu nổi.

“Do đó, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT tạo điều kiện để các doanh nghiệp được nhập bò từ nhiều nước khác nhau để tăng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống, từ con giống doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ để nâng cao hiệu quả”, ông Thuỷ đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp đề xuất "cứu nguy" ngành chăn nuôi

    03:39, 31/10/2021

  • "6 từ khoá" cho chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp

    04:00, 29/10/2021

  • Khủng hoảng thừa thịt lợn và “gót chân Achiles” của nông nghiệp Việt

    05:00, 24/10/2021

THY HẰNG