Cấp bách giải quyết tình trạng “khát lao động” của doanh nghiệp

THY HẰNG 13/11/2021 11:02

Không chỉ các giải pháp cấp bách khiến lao động an tâm quay trở lại sản xuất, đào tạo lại lao động thì các giải pháp vĩ mô về chuyển dịch trung tâm công nghiệp cũng được tính đến.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết nối chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch: Phân bổ lại thị trường

    15:00, 11/11/2021

  • Doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động sẽ quyết định thang bảng lương

    13:08, 11/11/2021

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, khiến người lao động đã trở về các tỉnh. Điều này gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp khi Việt Nam đang từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trao đổi với DĐDN, TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, cần những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt. 

Thiếu hụt lao động do người lao động di chuyển về các địa phương sau dịch

Thiếu hụt lao động đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ như "ngồi trên đống lửa" trong khi đơn hàng nhiều.

-Thưa ông, vấn đề thiếu hụt nguồn lao động cho khôi phục sản xuất đang khiến nhiều doanh nghiệp “như ngồi trên đống lửa”, thực tế cụ thể của tình trạng này như thế nào? Những ngành đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thưa ông?

Những ngành đang thiếu hụt lao động trầm trọng là các ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… Đặc biệt là ngành chế biến gỗ bởi là ngành sử dụng đa số lao động phổ thông, thậm chí lao động dân tộc thiểu số. Khi chúng tôi đón đoàn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về các tỉnh… đa số họ cho biết làm trong các công xưởng gỗ tại Bình Dương.

Bên cạnh đó là doanh nghiệp các ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn nhưng đây là ngành có thể dễ dàng khôi phục, thu hút lại lao động trở lại nếu thị trường được tái mở cửa.

Ngoài phạm vi ngành, mức độ ảnh hưởng còn được xét theo loại hình doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân đơn lẻ quy mô vừa và nhỏ chịu tác động thiếu hụt lao động lớn hơn các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất, nhà máy ở các khu vực khác nhau. Ví dụ cùng trong ngành dệt may, các nhà máy của doanh nghiệp nhỏ thường rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng hơn doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực, bởi vậy khó khôi phục sản xuất ngay.

Có một tín hiệu đáng mừng là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vừa công bố, 50-80% khu chế suất phía Nam đã khôi phục sản xuất với số lao động trở lại làm việc đạt từ 70-75%. Như vậy thực tế đã khôi phục nhưng bền vững hay không thì chưa chắc chắn được trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Và đặc biệt, doanh nghiệp đang phải chi phí lớn cho mô hình 3 tại chỗ, phải test covid thường xuyên…những vấn đề này ảnh hưởng tới việc phục hồi thị trường lao động.

Để thuyết phục người lao động quay trở lại nhà máy, các doanh nghiệp cần cải thiện các chính sách an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, phòng ngừa COVID-19. Chỉ khi người lao động cảm thấy được an toàn và không phải đối diện với rủi ro, cả về y tế và tác động về kinh tế, họ mới quay trở lại. Doanh nghiệp cũng phải có chính sách đãi ngộ như lương, thưởng một cách thỏa đáng và hấp dẫn, hỗ trợ chăm sóc cho sức khỏe, đời sống của người lao động - Bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam

-Vậy, theo ông các Bộ ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ cũng như định hướng thế nào để người lao động yên tâm trở lại sản xuất?

Về giải pháp vĩ mô đối với các Bộ ngành, địa phương, trước hết phải đảm bảo giải pháp về phòng chống Covid, theo đó phủ vaccine nhanh chóng. Chúng ta hiện có sự chênh lệch lớn về độ phủ vaccine, vừa qua chú trọng cho các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn, trong đó có 19 tỉnh phía Nam, tuy nhiên dịch đang có dấu hiệu bùng phát tại các tỉnh Tây Nam bộ và khu vực Tây Nguyên, do đó phải bao phủ vaccine nhanh chóng, cân bằng giữa các khu vực, đặt sự yên tâm cho người lao động quay trở lại nhà máy, công xưởng để làm việc. 

Thứ hai, cần có  chính sách khuyến khích lao động quay lại sản xuất, quay lại các trung tâm công nghiệp để khoả lấp cho sự thiếu hụt. Trong đó, đặc biệt cần vai trò phối hợp giữa các địa phương, giữa địa phương có nhu cầu tuyển dụng và địa phương có nguồn lao động. Không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm.

Bên cạnh đó, phải nhanh chóng cung cấp nhà ở cho công nhân, ổn đây là giải pháp lâu dài, có “an cư” mới “lạc nghiệp”, có vậy người lao động mới an tâm quay lại các trung tâm công nghiệp. Có thể chưa triển khai diện rộng nhưng phải hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong vấn đề thuê chỗ ở, thực tế nhiều doanh nghiệp để duy trì sản xuất 3 tại chỗ đang phải thuê các địa điểm nhà ở, khách sạn cho người lao động, chi phí lớn và khó duy trì lâu dài khi gián đoạn đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Kiến nghị xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ. Chúng ta có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả để con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình! - Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Thứ ba, có chính sách đào tạo lại nghề và chuyển đổi nghề cho người lao động. Đợt “di dân” vừa qua của người lao động về quê hương, đã cho thấy được bất cập, hệ quả khi lực lượng lao động đổ dồn về một số địa phương là trung tâm kinh tế. Do đó, cần có chính sách “phân bổ”, phát triển các trung tâm công nghiệp tại nhiều địa phương hơn, có vậy mới phân bổ được thị trường lao động, người lao động gắn bó với quê hương, đồng thời đảm bảo chống dịch, nền kinh tế phát triển ổn định và phù hợp với chủ trương giảm quá tải cho các trung tâm kinh tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, bên cạnh chuẩn bị môi trường làm việc an toàn, cần có chính sách thu hút lao động như chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thuê trọ, tiền điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đón lao động cũ quay trở lại qua chế độ lương, thưởng hấp dẫn,… cần khuyến khích chính sách này. 

-Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong công tác hồi phục thì việc thu hút lao động qua chế độ lương thưởng sẽ khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”, ông có đề xuất gì hỗ trợ các doanh nghiệp?

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua vay lãi suất thấp, lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương lao động, vay tín dụng khôi phục sản xuất. Một số ngân hàng thương mại cũng đã sẵn sàng cho vay sản xuất với lãi suất thấp, chỉ 0,5% tháng, chuyển từ vay thế chấp sang vay tín chấp. Tuy nhiên, tôi biết nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các nguồn vay hỗ trợ từ chính phủ do không thỏa mãn các điều kiện vay. Tinh thần là tháo gỡ vướng mắc dần dần, chính sách có thể thay đổi để phù hợp. Tốt nhất chúng ta nên thông qua các hiệp hội ngành nghề tập hợp các kiến nghị, đề xuất điều chỉnh chính sách sao cho đạt được cả mục tiêu kích thích, hỗ trợ nền kinh tế, tăng được tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ, lẫn khôi phục lại được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, quan điểm là cần tập trung cứu những doanh nghiệp đã và đang trụ được trong nền kinh tế, không nên giữ quan điểm cứu doanh nghiệp để tránh đổ vỡ như trước. Cần phân loại được nhóm doanh nghiệp đang cầm cự, duy trì việc làm cho người lao động, cứu những doanh nghiệp có thể cứu được. Đảm bảo chính sách hỗ trợ hữu ích, đúng đối tượng. 

TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, cần những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt.

TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, cần những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt.

-Cùng với đó, vấn đề đào tạo lại nguồn lao động cần được thực hiện theo hướng nào, thưa ông?

Bên cạnh đào tạo nâng cao tay nghề kỹ năng, nâng cao năng suất cho người lao động, khủng hoảng lao động lần này còn là sự kém linh hoạt về loại hình nghề của lao động phổ thông. Do đó, mỗi địa phương với  thế mạnh với lĩnh vực ngành nghề của mình, sẽ vừa động viên vừa đào tạo lao động chuyển đổi nghề phù hợp để lao động thích ứng với môi trường mới tại địa phương.

Tại diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất, các trung tâm kinh tế lớn nên tập trung phát triển lao động chất lượng cao, để các địa phương nhỏ phát triển công nghiệp sử dụng lao động phổ thông, giúp tránh chuyển dịch lao động, cạnh tranh lao động bất bình đẳng như vừa qua.

Cần có giải pháp trong đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để người lao động có được việc làm, phát triển cuộc sống ngay trên quê hương mình. Mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế khởi nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo. - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh

Trong công tác đào tạo này, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp hỗ trợ theo hướng nhà nước “đặt hàng” đào tạo, cung cấp lao động có tay nghề cho các địa phương còn khó khăn về thị trường lao động, các tỉnh đang bắt đầu phát triển các khu công nghiệp. Nhà nước cũng cần tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp.

-Khủng hoảng nguồn lao động do ảnh hưởng từ đại dịch lần này một lần nữa đặt ra vấn đề chủ động xây dựng các kịch bản, dự báo trong cả dài hạn và ngằn hạn cho thị trường lao động, thưa ông?

Vấn đề nay lâu nay có tính giả thiết là nhiều, bởi chúngta chưa có khủng hoảng nào như Covid, mà mới chỉ có các khủng hoảng do diễn biến tài chính kinh tế thị trường. Câu chuyện Covid xảy ra suốt 2 năm nay và chúng ta xác định phải sống chung với nó. Do đó, phải chú trọng vấn đề xây dựng kịch bản dự báo, các cơ quan như Bộ Lao động , Tổng cục Thống kê, các Hiệp hội doanh nghiệp, các bộ chủ quản… cần phối hợp sớm đưa ra các dự báo ngắn hạn, trung và dài hạn. Chúng ta phải có các dự báo 6 tháng-1 năm, các dự báo phải có xác suất tin câỵ nhưng vẫn mang tính linh hoạt cập nhật thường xuyên.

Nền kinh tế đã bắt đầu thích nghi với Covid, do đó việc dự báo không quá khó khăn, dự báo tiếp theo phải gắn với quy mô diễn biến của dịch theo vùng miền, khu vực, loại hình ngành nghề. Đồng thời, cũng phải gắn với khả năng phục vụ của ngành y tế, ngành y tế cũng phải có dự báo, đặc biệt là dự báo về tình hình dịch bệnh và khả năng cung ứng vaccine. Chúng ta hiện đang phụ thuộc vào nguồn vaccine tài trợ, mua từ nước ngoài, trong khi nguồn vaccine trong nước chưa chủ động được. Thị trường lao động chỉ có thể thực sự được hồi phục khi vấn đề y tế được đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tại sao không chấp thuận đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?

    12:56, 11/11/2021

  • Kết nối chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch: Giải “cơn khát” lao động bằng giải pháp tổng thể

    11:00, 11/11/2021

  • Bảo đảm chống dịch hiệu quả để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc

    09:19, 11/11/2021

THY HẰNG