Doanh nghiệp thực phẩm ba năm "một nỗi lo về vi chất"

THY HẰNG 15/11/2021 15:37

Mối lo cũ của doanh nghiệp chế biến thực phẩm về vi chất quay trở lại trong lúc Covid-19 vẫn còn gây nhiều khó khăn trong hoạt động.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải quan khẳng định 22.000 lon sữa viện trợ không thuộc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm

    22:03, 10/11/2021

  • Cục An toàn thực phẩm nói gì về “Lô sữa cứu trợ chưa thể lấy ra”

    10:30, 10/11/2021

Trao đổi với báo chí, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, để triển khai quy định tại Nghị định Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt”  Acecook Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm cho rằng, việc “bổ sung i-ốt vào muối trong chế biến thực phẩm” và “tăng cường hàm lượng sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm” là không có hiệu quả về tác dụng đối với sức khoẻ cộng đồng

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm cho rằng bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm” là không có hiệu quả về tác dụng đối với sức khoẻ cộng đồng.

Theo đó, Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp phải sử dụng muối bổ sung i-ốt, bột mì bổ sung kẽm và sắt để sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước trong khi phần lớn thị trường xuất khẩu không chấp nhận điều này khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để tránh nhiễm chéo vì không thể đầu tư thêm dây chuyền mới. 

“Cụ thể, chi phí gia tăng trong 5 năm "tránh nhiễm nhiễm chéo" là gần 196 tỉ đồng. Điều này làm doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tại nhiều thị trường bị sụt giảm, năng lực cạnh tranh bị ảnh hưởng. Chưa kể, công ty còn bị liên đới trách nhiệm khi có doanh nghiệp thương mại tự ý xuất khẩu hàng nội địa (ví dụ như mì Hảo Hảo) sang Nhật Bản để phục vụ cộng đồng 40.000 người Việt sống tại Nhật do nước này không chấp nhận sản phẩm có bổ sung i-ốt, kẽm”, ông Kajiwara Junichi cho biết.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết, khi thêm muối i-ốt, các sản phẩm thủy sản, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay, ăn liền... dễ dàng có phản ứng, do tính chất oxy hóa mạnh, làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam nhiều lần phản ánh, rất nhiều sản phẩm thực phẩm đã có sẵn i-ốt trong thành phần sản phẩm do nguyên liệu tự nhiên của sản phẩm đó đã có sẵn i-ốt, đặc biệt là thủy-hải sản, không cần sử dụng muối có i-ốt để tránh gia tăng thêm chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm. 

Đối với một số sản phẩm có quá trình chế biến dài, ví dụ như quá trình chế biến nước mắm truyền thống, thời gian ủ chượp lên tới 12 tháng ở điều kiện phơi nắng có nhiệt độ cao cùng với thời gian lưu giữ muối trước khi chế biến từ 2-3 tháng, i-ốt bay hơi rất nhanh dẫn đến việc sử dụng muối có chứa i-ốt không có tác dụng, gây ra lãng phí không cần thiết, chỉ gây thêm tốn kém và làm biến đổi màu, vị tự nhiên của nước mắm.

“Nước mắm truyền thống là mặt hàng giàu i-ốt tự nhiên từ nguyên liệu cá biển. Thế nhưng, nếu dùng muối i-ốt để ủ chượp thì nước mắm bị biến đổi màu thành đen sậm thay cho màu cánh gián tự nhiên. Đặc biệt, nếu dùng muối i-ốt sẽ làm thay đổi quy trình sản xuất nước mắm truyền thống của nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ”, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chia sẻ.

Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt, khiến doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới xuất đi được, điển hình như Nhật Bản, khiến doanh nghiệp rất tốn kém khi phải điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Nước mắm truyền thống là mặt hàng giàu i-ốt tự nhiên từ nguyên liệu cá biển. Thế nhưng, nếu dùng muối i-ốt để ủ chượp thì nước mắm bị biến đổi màu thành đen sậm thay cho màu cánh gián tự nhiên. Đặc biệt, nếu dùng muối i-ốt sẽ làm thay đổi quy trình sản xuất nước mắm truyền thống của nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ”,

Nếu dùng muối i-ốt để ủ chượp thì nước mắm bị biến đổi màu, làm thay đổi quy trình sản xuất nước mắm truyền thống  được bảo hộ.

Cùng với đó, quy định "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" cũng gây tác động tiêu cực tương tự. Các doanh nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác.

Trong khi các nước xuất khẩu bột mì lại không có quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột, nên dù các doanh nghiệp nhập khẩu có đề nghị bổ sung thêm hai vi chất nói trên, nhà cung cấp cũng không chấp thuận do e ngại đến chất lượng sản phẩm.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia độc lập, Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, chính sách về sức khỏe cộng đồng bổ sung vi lượng sắt, kẽm, i-ốt là rất cần thiết. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có chính sách áp dụng khác nhau. Đa số việc bắt buộc bổ sung vi chất này nằm ở quốc gia kém phát triển.

“Việt Nam là quốc gia duy nhất bắt buộc các doanh nghiệp thực phẩm là phải sử dụng muối i ốt và bột mì bổ sung kẽm và sắt bất kể là sản phẩm họ như thế nào đối với tất cả các ngành thực phẩm mà không quan tâm tới khó khăn và tác động tiêu cực trên chất lượng, hiệu quả. Như thế thì làm khó cho doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Thành nói và cho biết, ở các nước áp dụng có chọn lọc tùy theo khẩu phần ăn, tùy thuộc vào sự thiếu nhiều hay ít về vi lượng. Thậm chí có những nước thừa vi lượng và cấm sử dụng như Nhật Bản.

Các doanh nghiệp nhận định, các quy định này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế.

“Do đó, doanh nghiệp mong mỏi từng ngày quy định tại Nghị định 09 được sửa đổi theo hướng chỉ khuyến khích, không bắt buộc doanh nghiệp chế biến phải sử dụng muối được tăng cường i-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm như hiện nay”, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải quan khẳng định 22.000 lon sữa viện trợ không thuộc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm

    22:03, 10/11/2021

  • Cục An toàn thực phẩm nói gì về “Lô sữa cứu trợ chưa thể lấy ra”

    10:30, 10/11/2021

  • Tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm tại Bắc Kạn

    17:04, 08/11/2021

THY HẰNG