Khôi phục chuỗi cung ứng Việt - Úc trên nền tảng web thời hậu COVID
Việc thiết lập một nền tảng web giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về các thách thức, giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Úc và Việt Nam khi xảy ra các biến động.
>>>Năm kiến nghị khôi phục chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngành logistics
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình tài trợ đặc biệt cho thời kỳ COVID-19 của Hội đồng Úc - ASEAN năm 2020 phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dự án Hợp Tác Chuỗi Cung Ứng Úc-Việt Dựa Trên Nền Tảng Web Thời Kỳ Hậu COVID-19.
Tác động lớn hơn bất kỳ khủng hoảng nào
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn đến hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, và tạo ra gián đoạn đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh hưởng chưa từng có của một đại dịch như vậy và hậu quả từ việc áp đặt giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong liên kết chuỗi cung ứng ở nhiều nơi, bao gồm cả Úc và Việt Nam. Theo một số báo cáo, những nút thắt này sẽ tác động đáng kể đến thương mại trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu và thương mại xuyên biên giới.
Theo PGS TS Thái Văn Vinh, Khoa quản trị logistics và chuỗi cung ứng, Đại học RMIT, Úc, đại diện nhóm chuyên gia, đại dịch COVID-19 tạo ra sự gián đoạn chưa từng có đối với nền kinh tế và thương mại thế giới, khi sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp trên toàn cầu.
“Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới giảm 5,3% vào năm 2020, trong khi đó, các đại dịch trước đây như SARS làm giảm 0,1% GDP của thế giới vào năm 2003, H1N1 làm giảm 0,1% trong năm 2009. COVID-19 có tác động lớn hơn đến hầu hết các ngành kinh tế so với khủng hoảng tài chính năm 2008”, PGS TS Thái Văn Vinh dẫn lời RolandBerger để nhấn mạnh những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu.
Theo đó, đại dịch COVID-19 gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong liên kết chuỗi cung ứng ở nhiều nơi, bao gồm cả Úc và Việt Nam. – tác động đáng kể đến thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Cụ thể, khi phân tích ở từng loại hình đối tượng doanh nghiệp, PGS TS Thái Văn Vinh cho biết, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối đối mặt các vấn đề về thiếu hụt container rỗng, hàng nhập về trễ hạn, kẹt cảng, phát sinh chi phí, đặc biệt đối với hàng thời vụ.
Cùng với đó, phát sinh gián đoạn ở tất cả các công đoạn của chuỗi. Như nhà máy ở nước ngoài (Úc) giảm công suất, vận tải đường biển/hàng không gián đoạn, cước phí tăng cao, ùn tắc tại cảng, giao hàng chặng cuối bị hạn chế về công suất vì giãn cách,…
Đối với các cảng cũng phải chịu tác động tiêu cực như lượt tàu và hàng nhập khẩu giảm, hoạt động kiểm hóa của hải quan gián đoạn, kéo dài. Tuy nhiên, nhóm các cảng biển cũng nhận được tác động tích cực từ đại dịch, đó là sản lượng tăng lên từ lượng hàng của các phương thức vận chuyển khác.
Đối với doanh nghiệp logistics, kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp dịch vụ logistics đường biển ít chịu tác động tiêu cực hơn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo khách hàng chính là các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại. Cụ thể, các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng của cước phí tăng cao, tàu về cảng trễ hay ùn tắc ở cảng dẫn đến mất/sụt giảm sản lượng. Nhu cầu xuất/nhập hàng của các doanh nghiệp này thay đổi bất thường dẫn đến tình trạng bị động của các doanh nghiệp logistics.
Cùng với đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics hàng không chịu ảnh hưởng từ cắt giảm tần suất các chuyến bay và lockdown. Nhân sự một số doanh nghiệp logistics phải tăng thời gian làm việc để theo dõi sát sao các biến động từ các khâu khác của chuỗi.
Trong khi đó, thực tế liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng còn thiếu chặt chẽ. Một số doanh nghiệp Việt Nam không chủ động cập nhật và xử lý thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng, phụ thuộc nhiều vào công ty logistics
Thông tin có độ trễ và độ chính xác không cao. Cụ thể, thông tin chính thức về lịch trình vận chuyển hàng của các hãng tàu, hàng không, cảng cần được cập nhật sớm và liên tục cho các công ty logistics và nhập khẩu Việt Nam. Thông tin chính thức về các khu vực, địa điểm bị phong tỏa/ảnh hưởng do đại dịch cần được cung cấp và cập nhật
>>>Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu: (Kỳ II) Triển vọng và hàm ý cho Việt Nam
>>>Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn
Nền tảng chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác
Từ thực tế này, dự án Hợp Tác Chuỗi Cung Ứng Úc-Việt Dựa Trên Nền Tảng Web Thời Kỳ Hậu COVID-19 được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) trong Chương trình tài trợ đặc biệt cho thời kỳ COVID-19 của Hội đồng Úc - ASEAN năm 2020 phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai.
“Việc thiết lập một nền tảng web có thể giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin hiệu quả về các thách thức, giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Úc và Việt Nam khi xảy ra các biến động gián đoạn lớn”, PGS TS Thái Văn Vinh khẳng định.
Được biết, kết quả cuối cùng của dự án là việc thiết kế và vận hành một nền tảng web nhằm thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp Úc và Việt Nam nhằm khắc phục các thách thức cho chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch toàn cầu COVID-19.
Ngoài việc thiết lập nền tảng web nói trên, dự án còn xây dựng một báo cáo trình bày chi tiết về các nút thắt quan trọng của chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Úc do tác động của COVID-19. Tổ chức Hội thảo Thảo luận Nhóm cho khối doanh nghiệp và Hội thảo cho Các bên liên quan nhằm tìm kiếm phản hồi từ các bên liên quan để cải thiện nền tảng web này.
Bày tỏ vui mừng về dự án cung cấp nền tảng web Hợp Tác Chuỗi Cung Ứng Úc-Việt, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Cty TNHH Nguồn sống Thiên nhiên (Green Food) nhấn mạnh: “Nền tảng web đã thiết kế như là một chiếc “cầu nối”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các bên liên quan có điều kiện hợp tác tốt. Đây là một điều đáng mừng”.
Đại diện Green Food cũng đóng góp ý kiến hai vấn đề cần lưu ý về nội dung trang web và các thức thu hút người tham gia.
Thứ nhất, về nội dung, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng cần có các bạn biên tập có chuyên môn để đảm bảo đưa nội dung lên trang web là rất cần thiết. “Ví dụ, không nên đưa link các hãng hàng không giá rẻ vào web này như hiện nay vì họ không phải chuyên chở hàng hoá”, ông Hải cho ý kiến. Đồng thời cho rằng trang tin tức cần chuyên sâu các hoạt động liên quan đến thương mại hai nước Úc – Việt hơn là tin tức thế giới.
Thứ hai, về cách thức thu hút người tham gia, đại diện Green Food cho rằng, bộ phận thiết kế web cần sửa lại tên web cho dễ nhớ, dễ viết. Sau đó chọn các từ khóa quan trọng để các bên liên quan khi tìm kiếm sẽ dễ gặp trang này.
“Chúng ta cũng có thể đưa ra những lợi ích ban đầu để khuyến khích nhiều người tham gia như cho phép đăng tìm kiếm đối tác miễn phí, tìm kiếm những chuyên gia trong từng topic để tạo những diễn đàn vừa mang tính thời sự vừa có giá trị tức thời đối với người xem”, ông Nguyễn Hồng Hải đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Năm kiến nghị khôi phục chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngành logistics
15:50, 14/12/2021
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu: (Kỳ II) Triển vọng và hàm ý cho Việt Nam
04:00, 11/12/2021
Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
11:00, 10/12/2021
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn
11:00, 09/12/2021