Ùn tắc nông sản biên giới: Xây dựng các trung tâm logistics phù hợp với vị trí
Doanh nghiệp và địa phương đề xuất phát triển các trung tâm logsitics theo 3 hướng trung tâm thu gom, trung tâm phân phối, trung chuyển tuỳ vào vị trí đặt các trung tâm.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp mở tuyến vận tải biển
Chiều ngày 8/1, Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực logistics.
Chia sẻ với báo chí về thực tế ùn tắc nông sản các tuyến cửa khẩu biên giới với Trung Quốc trong thời gian gần đây, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh và cũng là do việc tổ chức hệ thống logistics chưa tốt, ảnh hưởng đến dòng chảy lưu thông hàng hóa.
Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, vừa qua, khi dịch bệnh xảy ra, các tỉnh ngăn chặn dòng di chuyển thì ngay lập tức hàng hóa bị ứ đọng. Thực tế của tình trạng này là vì không có các trung tâm về phân phối, trung chuyển hàng hóa tại các vùng.
“Khi có các trung tâm về lĩnh vực giao thông vận tải như trung tâm trung chuyển logistics thì dù chúng ta có khoanh vùng ở các tỉnh, hàng hóa vẫn về các trung tâm này, rồi từ các trung tâm đó phân phối về các địa bàn nhỏ. Nếu vậy sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi luân chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Mặt khác, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, khi có các trung tâm logistics ở các vùng, việc sử dụng công suất của các phương tiện vận tải hàng hóa sẽ ở mức cao, tránh tình trạng các phương tiện vận tải đi một chiều không tạo sự kết nối để tận dụng được mạng lưới vận tải cũng như giảm chi phí.
Nhắc đến việc đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân gây đứt gãy các chuỗi cung ứng cả trên thế giới, nhất là ở khu vực cửa khẩu, kể cả đường bộ, đường biển, ông Cường nhấn mạnh, rõ ràng Việt Nam có cơ hội rất tốt trong phát triển hệ thống logistics đường biển.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Tắc đường bộ, bí đường biển
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Cần doanh nghiệp "đầu đàn" dẫn dắt
Từ đó, theo ông Hoàng Văn Cường, giao thông vận tải, nhất là logistics là lĩnh vực cần được chú trọng ưu tiên thỏa đáng để có cơ hội phục hồi.
Nhận thức được điều này, hiện nhiều địa phương như Lạng Sơn hoặc một số tỉnh biên giới phía Bắc đã có đề xuất được hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics với hạ tầng kho lạnh phục vụ bảo quản hàng hoá nông sản. Đánh giá về đề xuất này, bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS khẳng định, đây là nhu cầu thiết thực và bức thiết, nhất là cho nông sản là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
“Theo đó, có thể phát triển các trung tâm này theo 3 hướng tùy theo vị trí đặt trung tâm. Nếu gần vùng nguyên liệu sẽ thiết kế theo hướng trung tâm thu gom, gần thị trường thiêu thụ sẽ theo hướng trung tâm phân phối. Nếu gần khu vực cửa khẩu, cảng thì theo hướng trung tâm trung chuyển có kho bảo quản hiện đại kết hợp hệ thống kiểm tra, thông quan hàng hóa giúp giảm bớt thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu”, Giám đốc Cty CASS chia sẻ với DĐDN.
Cũng theo bà Quách Thị Lệ Chân, mhững trung tâm logistics này tùy quy mô và tính chất mà quyết định cơ chế hợp tác công tư hay do tư nhân đầu tư. Đối với các trung tâm gần cảng, cửa khẩu có hệ thống kiểm tra và chức năng thông quan thì cần có sự tham gia của nhà nước để đạt yêu cầu về quản lý.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc nông sản biên giới: Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp mở tuyến vận tải biển
14:30, 08/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Tắc đường bộ, bí đường biển
13:28, 08/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Cần doanh nghiệp "đầu đàn" dẫn dắt
11:30, 07/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”
04:00, 03/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Xem xét kéo dài thời gian thông quan
13:47, 02/01/2022