Ùn tắc nông sản biên giới: Điểm yếu tỷ lệ chế biến thấp
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nhận định tỷ lệ chế biến nông sản còn thấp, trong khi nhà máy chế biến không đủ nguyên liệu.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Cần 5.000 container lạnh cho xuất khẩu thanh long
Về vấn đề ùn tắc nông sản biên giới đang chưa có cách giải quyết, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nhận định, câu chuyện về chi phí đường bộ, chi phí bảo quản, rồi thì chuyện “làm luật” đều bộ lộ điểm yếu. Do đó, khâu chế biến, thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch là rất quan trọng.
Quan điểm sai lầm
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu thực tế, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức “trung bình tiên tiến”. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.
Ông Toản cho rằng vai trò chủ lực để giải quyết vấn đề này nằm ở các doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía người sản xuất, thì mấu chốt nằm ở việc nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn.
Đề cập vấn đề ở quy mô rộng, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng hiện Việt Nam đã kiểm soát được tính chất mùa vụ.
“Vấn đề đặt ra là quả tươi đi vào đâu, vùng chuyên canh phục vụ chế biến ở đâu, như thế nào. Ví dụ như quả cam ở Cao Phong, Hòa Bình là để dùng tươi. Quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm. Đơn cử như Nafoods, đơn vị này chế biến nhiều loại quả sấy khô, sấy dẻo, yêu cầu cao về mặt đầu vào”, ông Toản thông tin.
Theo thống kê của Cục, trong 3-4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều rau củ quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Ông Toản khẳng định để gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, chỉ có duy nhất con đường xuất khẩu chính ngạch.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: "Nâng tầm" sản phẩm để vượt qua "tiểu ngạch"
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần khi đi đường biển
Nghịch lý tươi dư thừa - chế biến thấp
Một số vấn đề còn tồn tại được Cục chỉ ra là tỷ lệ chế biến còn thấp. “Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo”, ông Toản dẫn chứng.
Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, vấn đề thứ hai cần nhắc tới là công suất nhà máy chế biến mới 60%, do không đủ nguyên liệu.
“Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trực tiếp chỉ đạo vùng nguyên liệu để đáp ứng cho vùng chế biến, đa dạng hóa mô đun chế biến. Mô hình của Đồng Giao ở Ninh Bình đa dạng từ chuối, dứa... nên thành công nhiều năm qua”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Ông Toản cho biết Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết đặc thù cho TP. Cần Thơ, trong đó có nội dung xây dựng cụm liên kết chế biến bảo quản nông sản vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ, đảm bảo kết nối vùng nguyên liệu và đường đi của sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc nông sản biên giới: "Nâng tầm" sản phẩm để vượt qua "tiểu ngạch"
11:00, 13/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Nhìn nhận và đầu tư chưa theo kịp thị trường
18:49, 12/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần khi đi đường biển
18:12, 12/01/2022