Ùn tắc nông sản biên giới: Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ
Doanh nghiệp đề xuất hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Phải làm gì để không còn ‘trắc trở” và “gian nan”?
Tình trạng hàng nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới một lần nữa cảnh báo vấn đề nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ tránh sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường như thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, thực tế quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đạt yêu cầu thực phẩm, chất lượng luôn là vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, có tính quyết định đến chất lượng hàng hoá đồng thời đảm bảo tính minh bạch khi đưa ra thị trường.
“Nhưng những đơn hàng đầu khi công ty đôn đốc, kiểm tra tại nguồn thì cơ sở đóng gói làm tốt. Nhưng những đơn hàng sau, chất lượng không còn đảm bảo. Hiện Ameii có nhiều đơn hàng thanh long, nhưng chưa nắm được thông tin về vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói. Các tỉnh trồng nhiều thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… cần có hướng dẫn và có cơ chế giám sát cơ sở đóng gói”, ông Nguyễn Khắc Tiến nêu thực trạng.
Cùng quan điểm về việc xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit có quan điểm, việc phát triển xây dựng chế biến không khó. Khó là kết nối thị trường. Do đó, rất cần xây dựng trung tâm tiếp nhận thông tin để sau đó đưa đến cho người trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng tốt hơn, rồi có thể kiểm soát được thị trường tiêu thụ.
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Thủ tướng chỉ đạo lập Nhóm công tác tháo gỡ
>>>Ùn tắc nông sản biên giới: Sáu đề xuất để "chuẩn hoá"
Từ thực tế này, nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đại diện Công ty CP Ameii Việt Nam kiến nghị, thứ nhất, xây dựng những Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hiện có sang sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, giúp người dân về quy trình canh tác, đầu tư, và hệ thống phân phối.
Thứ hai, xây dựng những kênh truyền thông, tuyên truyền quảng bá các sản phẩm chất lượng cao giúp HTX, người dân tiếp cận nhiều hơn tới người tiêu dùng. Đồng thời có những cam kết, đồng hành của địa phương, doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Thứ ba, xây dựng bộ phận hỗ trợ thông tin về thị trường, giá cả, mùa vụ, xu hướng và các mô hình canh tác mới... để truyền tải đến từng người dân, từng thôn, xã, HTX... thông qua các kênh như: mạng xã hội, website, truyền thanh... Đồng thời có sự tương tác, tư vấn, giải đáp thắc mắc khi cần thiết.
Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các loại cây trồng trên địa bàn để lựa chọn những sản phẩm chính, chủ lực, có tính cạnh tranh cao với các vùng hoặc các quốc gia khác.
Thứ năm, xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho nông sản, bao gồm các tài liệu in ấn, tài liệu số hiển thị trên các nền tảng web, mạng xã hội, các video clip và đặc biệt là chọn linh vật đại diện cho nông sản tỉnh, qua đó giúp kể những câu chuyện về nông sản gắn liền với sản phẩm...
Thứ sáu, động viên, khuyến khích người dân, HTX tham gia vào chuỗi liên kết hoặc các tổ, nhóm sản xuất để cùng nhau tạo ra các sản phẩm chuyên biệt, đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Các đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ thông tin về quy trình kỹ thuật nhằm thống nhất từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và có sự kết nối chặt chẽ với các đơn vị, cơ sở thu mua, chế biến.
Thứ bảy, nghiên cứu cơ chế chính sách về lãi suất và thời gian tính lãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư ứng trước cho bà con nông dân trong chuỗi liên kết.
Thứ tám, tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.
Cũng nhấn mạnh về vai trò của đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, căn cơ cần quan tâm đến chất lượng nông sản để đa dạng hóa thị trường.
Theo đại diện Bộ Công Thương, các địa phương cần có kế hoạch kết nối cung - cầu ngay từ đầu vụ. Bà Nguyễn Cẩm Trang dẫn chứng 2 "thủ phủ" vải thiều là Bắc Giang và Hải Dương đã chủ động kết nối tiêu thụ nên dù trong dịch bệnh, mặt hàng này vẫn không bị tắc nghẽn.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, bà Trang cho rằng cần thâm nhập các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng ưu đãi thuế quan, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc nông sản và "bài toán nâng tầm sản phẩm"
04:03, 16/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Phải làm gì để không còn ‘trắc trở” và “gian nan”?
04:00, 15/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Thủ tướng chỉ đạo lập Nhóm công tác tháo gỡ
16:26, 14/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Sáu đề xuất để "chuẩn hoá"
11:37, 14/01/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất cơ chế hướng dẫn cơ sở đóng gói, chế biến
11:02, 14/01/2022